Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Vỡ ống” ở Vinaconex và những đồng vốn nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Vỡ ống” ở Vinaconex và những đồng vốn nhà nước

Ngọc Lan

“Vỡ ống” ở Vinaconex và những đồng vốn nhà nước
Khắc phục sự cố đường ống dự án nước sạch Sông Đà. Ảnh: MẠNH LỰC

(TBKTSG) – Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã nhấn mạnh dự án nước sạch Sông Đà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế dù riêng dự án này không trực tiếp dùng vốn nhà nước nhưng Vinaconex thì có dùng vốn nhà nước làm lợi thế trong việc kinh doanh liên quan đến dự án này.

Lợi thế nhận thầu

Tuần trước, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinaconex, chủ đầu tư và kinh doanh dự án nước sạch Sông Đà, nơi đã bị vỡ chín lần trong ba năm qua khiến 70.000 người dân Hà Nội thiếu nước sinh hoạt, đã gặp báo chí để giải thích. Ông nói dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 1 gặp sự cố nhưng doanh nghiệp đầu tư dự án này không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Trong các văn bản gửi giới truyền thông, cụm từ “dự án không sử dụng vốn ngân sách” cũng được Vinaconex gạch chân, in đậm một lần nữa nhằm khẳng định sự tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp, tránh sự suy diễn đến việc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hay “làm thất thoát tiền và tài sản nhà nước” mỗi khi có sự cố xảy ra, nhất là ở các dự án công ích. Dự án này chỉ riêng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.514 tỉ đồng, được xây dựng với mục tiêu đảm bảo nhu cầu an sinh của hàng vạn người dân Hà Nội tại bốn quận nội thành.

Những giải thích trên không sai nhưng thực ra việc Vinaconex không trực tiếp sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại dự án này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không dùng vốn nhà nước để kinh doanh. Dự án có tổng mức đầu tư 1.514 tỉ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh), trong đó có 20% vốn tự có của doanh nghiệp và 80% vốn vay thương mại. Song, Vinaconex là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 57,79% vốn chủ sở hữu và một tập đoàn nhà nước khác là Viettel nắm 21,28% vốn chủ sở hữu. Thử hỏi nếu không có những khoản vốn này, khiến tổng vốn cổ đông nhà nước tại Vinaconex lên đến hơn 79%, thì liệu rằng Vinaconex có dễ được chỉ định thầu dự án, thay vì phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này?

Nếu không có những khoản vốn khiến tổng vốn cổ đông nhà nước tại Vinaconex lên đến hơn 79%, thì liệu rằng Vinaconex có dễ được chỉ định thầu dự án, thay vì phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này?

Nếu Vinaconex không dùng vốn nhà nước để lại tại đây làm 20% vốn tự có cho dự án và dùng lợi thế doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, họ đâu có dễ dàng vay được đến 80% giá trị còn lại.

Không trực tiếp đứng ra vay vốn ngân sách nhưng báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex năm 2013 (trang 34) thuyết minh rằng, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) – công ty con của doanh nghiệp lập ra để thực hiện dự án cấp nước sông Đà, từ ngày 5-8-2010 đã được kế thừa bản hợp đồng vay vốn rẻ từ công ty mẹ với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, Viwasupco đã nhận lại từ công ty mẹ một phần dư nợ trị giá 196 tỉ đồng với BIDV chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) với lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng thêm 3%/năm.

Cũng trong năm 2010, Vinaconex còn cho phép công ty con nói trên nhận lại khoản nợ 493 tỉ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với các mức lãi suất 6,6% và 8,4%/năm. Tất cả các khoản vay lại đều được đảm bảo bằng các tài sản hình thành sau đầu tư giai đoạn 1 dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Sông Đà.

Nếu Vinaconex không phải là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối lớn, đâu dễ gì vay được những đồng vốn rẻ tại VDB và BIDV để rót cho các công ty con. Vào thời điểm năm 2010, tín dụng bị thắt chặt và lãi suất cho vay ở mức 21%/năm, thì Vinaconex được vay từ VDB với lãi suất chưa đến phân nửa lãi suất thị trường.

Nói không lãi nhưng vẫn lãi

Nói như vậy để thấy rằng, việc Vinaconex vay vốn đầu tư giai đoạn 1 đường ống Sông Đà tuy không được ngân sách rót vốn trực tiếp nhưng nếu không xuất phát từ những “bệ đỡ” nhà nước như trên, cộng với việc được Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội chỉ định thầu, cho phép đầu tư theo hình thức BOO không thời hạn như một sự đảm bảo đầu ra an toàn, hiệu quả cho dự án thì chắc chắn Vinaconex không làm. Bằng chứng là năm 2009, khi giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, Vinaconex xin đầu tư tiếp giai đoạn 2. Song tại thời điểm đó, cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa có và quan trọng nhất là không vay được vốn rẻ, Vinaconex đã không đầu tư tiếp.

Vinaconex, qua lời ông Phương, cũng muốn người dân chia sẻ với doanh nghiệp vì từ khi đầu tư (2004) tới giờ chưa có lãi. “Nếu doanh nghiệp chết và không đủ khả năng cung cấp nước sạch cho thủ đô thì cũng mong mỗi người chia sẻ một chút để Vinaconex có thể thực hiện được giai đoạn 2 và giúp cho doanh nghiệp có lãi”, như lời ông nói.

Song, thực tế lãi sau thuế của Vinaconex là 284,5 tỉ đồng năm 2013, chủ yếu là do việc thoái vốn tại dự án xi măng Cẩm Phả và lợi nhuận tại hai công ty con: Viwasupco và Viwaco (công ty giữ vai trò kinh doanh, phân phối nước dự án Sông Đà). Báo cáo thường niên của công ty mẹ nói rằng, nhờ hai doanh nghiệp này bước vào giai đoạn sản xuất kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận ổn định những năm tới nên sẽ đóng góp lớn vào hiệu quả kinh doanh chung của Vinaconex.

Một vấn đề khác rất cần được mổ xẻ kỹ lưỡng tại dự án này là việc doanh nghiệp được thực hiện đầu tư theo hình thức BOO, tự nhận định rằng đã tuân thủ đúng các quy định về quy chế quản lý đầu tư xây dựng, quy chế đấu thầu, song tất cả các gói thầu quan trọng nhất của dự án như tổng thầu thiết kế, các nhà thầu chính đến công ty phân phối, vận hành và quản lý toàn bộ hệ thống tuyến ống… đều do các công ty con của Vinaconex đảm nhận.

Thậm chí doanh nghiệp còn lập ra một công ty, nhập dây chuyền sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cho đường ống giai đoạn 1, tức là khép kín quy trình đầu tư dự án từ A đến Z, thay vì đấu thầu cạnh tranh với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp bên ngoài. Như vậy, SCIC – cổ đông lớn nhất của Vinaconex và các cổ đông khác sẽ cần câu trả lời là khi đường ống cốt sợi thủy tinh không được chọn là vật liệu đầu tư cho giai đoạn 2 thì dây chuyền sản xuất đã nhập về sẽ bị xếp xó như thế nào, phí phạm đến đâu?

Vinaconex đã được chọn để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án cấp nước cho Hà Nội với số vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng cho phân kỳ 1. Cho dù việc đầu tư dự án là cấp thiết, nhưng nếu chỉ thay vật liệu đường ống nước, thay một số nhà thầu cũ và còn nợ những câu hỏi chưa trả lời như trên thì chưa có gì đảm bảo dự án sẽ “đầu xuôi đuôi lọt” như Vinaconex cam kết.

Tin liên quan

– Khởi tố vụ án vỡ ống nước Sông Đà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới