Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn chảy vào ngành fintech ở Đông Nam Á tăng kỷ lục

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư chảy vào các công ty công nghệ tài chính (fintech) ở Đông Nam Á tăng hơn gấp 3 lần so với cả năm ngoái, đạt mức kỷ lục 3,5 tỉ đô la, theo một báo cáo nghiên cứu chung của Ngân hàng UOB, Công ty kiểm toán PwC Singapore và Hiệp hội Công nghệ tài chính Singapore (SFA) mới công bố trong tuần này.

Trong 9 tháng đầu năm nay, công nghệ thanh toán thu hút được lượng vốn lớn nhất (1,9 tỉ đô la) trong các lĩnh vực fintech nhờ làn sóng phổ cập thanh toán số ở ASEAN ngày càng mạnh mẽ. Ảnh: Theasianbanker

Báo cáo cho biết trong 3 quí đầu năm, các công ty fintech ở Đông Nam Á đã chốt thành công 167 thương vụ gọi vốn, gồm 13 thương vụ rót vốn siêu lớn (có trị giá từ 100 triệu đô la trở lên).

Các công ty fintech giai đoạn cuối (đang bước sang thời kỳ mở rộng quy mô với vòng gọi vốn series C hoặc cao hơn) thu hút được 10/13 thương vụ rót vốn siêu lớn. Điều này cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của giới đầu tư khi họ thận trọng hơn và tìm cách hạn chế rủi ro bằng cách hậu thuẫn các startup trưởng thành và đã xây dựng được chỗ đứng trên thị trường, có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Lĩnh vực công nghệ thanh toán thu hút được lượng vốn lớn nhất (1,9 tỉ đô la) nhờ làn sóng phổ cập thanh toán số ở ASEAN ngày càng mạnh mẽ.  Lĩnh vực công nghệ đầu tư và tiền số đạt được tốc độ tăng trưởng vốn mạnh nhất trong năm nay và lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 về lượng vốn huy động được.

Vốn rót vào các công ty công nghệ đầu tư ở ASEAN đạt 457 triệu đô la trong 9 tháng đầu năm nay, tăng mạnh so với mức chỉ 77 triệu đô la vào năm ngoái. Đáng chú ý, các công ty tiền kỹ thuật số đang chiếm khoảng 25% tổng số công ty công nghệ tài chính ở Singapore.

Dựa trên kết quả khảo sát hơn 3.000 người ở độ tuổi từ 18-15 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, báo cáo của UOB, PwC và SFA cho biết, cứ 10 người tiêu dùng ở ASEAN, có 6 người từng sử dụng các công cụ số, chẳng hạn như nền tảng môi giới trực tuyến, để đầu tư.

Trong khi đó, các công ty tiền số ở ASEAN thu hút số vốn 350 triệu đô la trong năm nay, tăng hơn 5 lần so với năm ngoái. Theo báo cáo, 9/10 người tiêu dùng ASEAN đã hoặc dự định đầu tư và sử dụng tiền số.

Singapore, trung tâm tài chính của Đông Nam Á, thu hút lượng vốn 1,6 tỉ đô la, chiếm gần 50% lượng vốn mà ngành fintech trong khu vực huy động được trong 9 tháng đầu năm. Các công ty fintech của Singapore cũng chốt thành công 6 vòng gọi vốn siêu lớn, có trị giá tổng cộng 972 triệu đô la. Indonesia, nước đông dân nhất Đông Nam Á huy động được 905 triệu đô la, tiếp theo là Việt Nam với 375 triệu đô la.

Sự phục hồi của ngành fintech diễn ra sau khi tổng vốn huy động được của ngành này trong khu vực giảm còn 1,1 tỉ đô la vào năm ngoái (so với con số 1,6 tỉ đô la trong năm 2019) do đại dịch Covid-19 làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư.

Tuy nhiên, số công ty fintech mới thành lập trong khu vực tăng chậm lại trong năm nay với chỉ 107 công ty, so với con số 278 vào năm ngoái và 411 vào năm 2019.

Janet Young, Giám đốc kênh kinh doanh và số hóa của UOB, nhận định đà phục hồi đầu tư mạnh mẽ ở ngành fintech của ASEAN sẽ giúp tổng số vốn huy động được cho ngành này vượt 3,5 tỉ đô la trong năm nay.

Shadab Taiyabi, Chủ tịch SFA, nói: “Chúng tôi vui mừng khi thấy rằng lĩnh vực fintech trên khắp Đông Nam Á tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng, được chứng thực bởi sự phục hồi mạnh mẽ của nguồn tài chính huy động được trong năm nay. Đại dịch Covid-19, động lực chính của sự hồi sinh này, đã thúc đẩy chuyển đổi số ở Singapore và trên toàn khu vực, thúc đẩy sự trỗi dậy của các phương thức thanh toán số”.

Đông Nam Á có hơn 650 triệu dân nhưng trong đó, 290 triệu chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng và điều này tạo ra cơ hội lớn để các startup (công ty khởi nghiệp) trong lĩnh vực fintech tiếp tục phát triển.

Dữ liệu của DealStreetAsia cho thấy trong năm 2021, tính cho đến nay, Đông Nam Á đã tạo ra 19 kỳ lân khởi nghiệp (startup được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên). Đáng chú ý, ngành fintech và công nghệ bảo hiểm đóng góp đến 8 kỳ lân khởi nghiệp bao gồmstartup thanh toán Ascend Money của Thái Lan; Ajaib, ứng dụng giao dịch chứng khoán của Indonesia; startup dịch vụ tài chính tiền số Matrixport của Singapore…

Grab Financial Group, đơn vị fintech của hãng gọi xe Grab, cũng được định giá 3 tỉ đô la sau vòng gọi vốn huy động 300 triệu đô la hồi đầu năm nay.

Một số startup fintech khác trong khu vực được dự báo sẽ sớm trở thành kỳ lân khởi nghiệp, bao gồm TNG Digital, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và ví điện tử của Malaysia; Voyager Innovation, chủ sở hữu ứng dụng thanh toán của Philippines và MoMo, nền tảng thanh toán di động hàng đầu Việt Nam.

Theo Straits Times, Fintechnews

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới