Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn FDI tăng nhẹ dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn FDI tăng nhẹ dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Dù vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức góp vốn mua cổ phần trong 5 tháng đầu năm nay giảm mạnh, song vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

'Dấu lặng' từ vụ tố cáo đưa hối lộ của Tenma Việt Nam

Vốn FDI tăng nhẹ dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh
Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn "bình thường mới" sau dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp FDI sẽ hoạt động hiệu quả vượt trội trong nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tính từ đầu năm đến ngày 20-5 vừa qua, cả nước có 1.212 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 7,44 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo phân tích của MPI, vốn đầu tư cam kết FDI tăng là do trong 5 tháng đầu năm có dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký mới. Dự án này lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,7 triệu đô la năm 2019 lên 6,1 triệu đô la trong năm nay.

Tương tự, cùng thời gian trên về vốn FDI điều chỉnh, cả nước có 436 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, dù giảm 13,7% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,45 tỉ đô la, tăng 31,4% so với cùng kỳ.

 

Tình hình vốn ngoại đăng ký cam kết 5 tháng đầu năm của 4 năm gần đây. Đồ họa: Hùng Lê

Cũng theo MPI, vốn điều chỉnh trong 5 tháng tăng là do có dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của nhà đầu tư Thái Lan điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ đô la. Dự án này cũng giúp kéo tổng vốn điều chỉnh của nhà đầu tư đang hoạt động tăng lên cao.

Mặc dù vậy, đối với góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn trong cùng thời gian trên lại bị sụt giảm, dù lượt góp vốn mua cổ phần lại tăng.

Cụ thể trong 5 tháng, cả nước có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị vốn góp gần 3 tỉ đô la, bằng 39,1% so với cùng kỳ.

Dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu đô la/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 5 tháng đầu năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ 45,7% trong 5 tháng năm 2019 xuống 21,5% trong 5 tháng năm 2020.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 13,89 tỉ đô la, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,88 tỉ đô la, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,92 tỉ đô la, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 945 triệu đô la và 801 triệu đô la.

Theo đối tác đầu tư, đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,31 tỉ đô la, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,45 tỉ đô la, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư.

Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỉ đô la, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… Nếu xét theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 325 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 176 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 133 dự án, Hồng Kông đứng thứ tư với 113 dự án;…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới