Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn ngoại tiếp tục chảy vào ngành điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn ngoại tiếp tục chảy vào ngành điện tử

Quốc Hùng

Vốn ngoại tiếp tục chảy vào ngành điện tử
Samsung gới thiệu sản phẩm tivi mới -Ảnh minh họa: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Xuất khẩu mặt hàng điện tử, công nghệ của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào các dự án đang hoạt động và các dự án mới trong lĩnh vực này.

>>> Xuất khẩu điện thoại vượt qua dầu thô

>>> Chính phủ cam kết hỗ trợ Samsung phát triển

Theo nghiên cứu của Công ty TNHH CBRE (Việt Nam) – đơn vị tư vấn dịch vụ bất động sản, điểm sáng trong bức tranh đầu tư nước ngoài là Việt Nam đang thu hút được nguồn vốn những tập đoàn về công nghệ cao, điện tử, R&D (nghiên cứu và phát triển).

Điển hình là cuối năm 2012 và thời gian đầu năm 2013, CBRE đã hỗ trợ tập đoàn Panasonic thành lập dự án Eco-Solution Factory ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 38 triệu đô la Mỹ. Sau thành công của nhà máy sản xuất linh kiện ở phía Bắc, tập đoàn điện tử Nhật Bản này đã quyết định mở rộng đầu tư ở phía Nam và dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2014.

Cũng trong năm 2012, CBRE Việt Nam đã tư vấn và hỗ trợ cho tập đoàn điện tử LG Electronics (LGE) trong việc lựa chọn vị trí thích hợp cũng như những quan ngại của LGE về lao động, ưu đãi thuế. Tập đoàn điện tử đến từ Hàn Quốc này có kế hoạch đầu tư khoảng 300 triệu đô la Mỹ cho nhà máy sản xuất ở Hải Phòng, khu vực mà  chi phí lao động còn thấp và không bị cạnh tranh lao động gay gắt như Bắc Ninh, Bắc Giang.

Đầu năm nay, Tập đoàn Fuji Xerox của Nhật Bản cũng đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất máy in, máy photocopy vốn đầu tư khoảng 119 triệu đô la Mỹ (khoảng 9 tỉ yen) tại Khu đô thị và công nghiệp VSIP Hải Phòng. Theo kế hoạch, nhà máy khánh thành vào tháng 8-2013 và đi vào hoạt động từ tháng 11-2013. Giai đoạn đầu, nhà máy tuyển dụng khoảng 500 lao động, năng lực sản xuất 2 triệu sản phẩm/năm. Đây là nhà máy đầu tiên của Tập đoàn Fuji Xerox tại Việt Nam.

Với những dự án mới của những tập đoàn công nghệ này cùng với những dự án của các nhà sản xuất toàn cầu đang có mặt tại Việt Nam giới phân tích cho rằng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Việc các tập đoàn điện tử và công nghệ lớn trên thế giới đầu tư thành công vào Việt Nam trong mấy năm gần đây đã giúp cho Việt Nam vượt qua ngành dệt may để dẫn đầu về xuất khẩu các sản phẩm điện thoại, điện tử, máy tính và cung cấp linh phụ kiện trong năm 2012 và cả quý đầu tiên của năm nay.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong nhóm mặt hàng điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện… đã đóng góp rất lớn trong xuất khẩu của Việt Nam năm qua, đạt hơn 20,52 tỉ  đô la Mỹ. Các mặt hàng công nghệ đang vươn lên các thứ hạng đầu trong danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam, đẩy ngành dệt may xuất khẩu xuống phía sau.

Trong đó, chi nhánh tập đoàn Hàn Quốc Samsung tại Việt Nam là hãng góp phần lớn nhất, ước khoảng 12,7 tỉ đô la trong năm qua nhờ xuất khẩu điện thoại di động, tăng hơn gấp đôi so với 6 tỉ đô la vào năm 2011. Ngoài Samsung, các tập đoàn khác như Intel của Mỹ, Canon, Nidec, Fujitsu của Nhật, Foxconn của Đài Loan… cũng góp phần thúc đẩy ngành xuất khẩu công nghệ cao cấp tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới