Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn Nhật Bản giúp “kích hoạt” kinh tế Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn Nhật Bản giúp “kích hoạt” kinh tế Việt Nam

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cũng như vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đã có đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, theo nhận định của các đại biểu tại hội nghị "Gặp gỡ Nhật Bản- ĐBSCL".

Vốn Nhật Bản giúp “kích hoạt” kinh tế Việt Nam
Các đại biểu tham dự tại hội nghị "Gặp gỡ Nhật Bản- ĐBSCL" diễn ra tại Cần Thơ vào chiều 18-4. Ảnh: Trung Chánh

Tại cuộc hội nghị diễn ra ở thành phố Cần Thơ vào chiều ngày 18-4, ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản trong thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Ông Khánh cho biết, Chính phủ Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam một khoản viện trợ không hoàn lại lên đến 1,6 tỉ đô la Mỹ. Nguồn vốn này đã giúp xây dựng một số công trình quan trọng trong lĩnh vực y tế, hải quan, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó, có những công trình quan trọng như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Chợ Rẫy và các dự án cung cấp nước sạch cho Việt Nam…

Theo ông Khánh, một nguồn vốn quan trọng hơn cho phát triển kinh tế Việt Nam là vốn vay hỗ trợ phát triển (ODA)từ Nhật Bản. “Cho đến nay, sau 25 năm hợp tác phát triển với Việt Nam, Chính phủ Nhật đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 28 tỉ đô la Mỹ”, ông cho biết và nói rằng nguồn vốn này được tập trung vào các lĩnh vực giúp phát triển kinh tế của Việt Nam như năng lượng, giao thông thông vận tải, nông nghiệp, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, hạ tầng đô thị.

Cụ thể, một số công trình đầu tư đã mang lại kết quả hữu hiệu trong thực tế như tuyến đường 5, 10 và 18, các cầu trên Quốc lộ 1, sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, cầu Bãi Cháy và Thanh Trì, cảng Cái Mép- Thị Vải, cảng Đà Nẵng, cầu Cần Thơ, đại lộ Đông Tây, nhà ga Hà Nội… “Đấy là những công trình có tác động lớn và lan tỏa cho nền kinh tế chúng ta”, ông nói.

Ông Trần Văn Thống, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng cho biết, nguồn vốn vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã từng bước giúp địa phương có cơ sở hạ tầng, nhất là ở lĩnh vực giao thông kết nối được thuận lợi với nhau.

Tuy nhiên, theo ông Thống, vẫn còn một số cơ sở hạ tầng giao thông của địa phương chưa phát triển, nhất là Quốc lộ 60. “Tuy được Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ quan tâm đầu tư, sửa chữa, nhưng hiện nay còn một nút thắt lớn nhất là cầu Đại Ngãi”, ông cho biết và nói rằng công trình này đã có bước khởi động, nhưng nguồn vốn đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước vấn đề này, ông Thống đề nghị các bộ ngành trung ương và JICA cần sớm hỗ trợ để triển khai dự án, giúp kết nối các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với TPHCM được rút ngắn và thuận lợi hơn nữa.

Về vấn đề này, ông Khánh cho biết, hiện nay Chính phủ đã chính thức đề nghị Nhật Bản xem xét tài trợ cho dự án. “Tôi được biết phía JICA và các nhà tư vấn cũng rất quan tâm dự án và đã tiến hành nhiều công việc khác nhau cùng Bộ Giao thông Vận tải”, ông cho biết.

Trong thời gian tới, theo ông Khánh, chính phủ hai nước cũng có những ký kết và định hướng sử nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản ở Việt Nam hướng tối ba mục tiêu. Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh; thứ hai, nâng cao khả năng ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực từ phát triển kinh tế và cuối cùng là nâng cao năng lực quản lý hành chính.

Riêng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, theo ông Khánh, từ nay đến năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến các dự án quan trọng là sân bay Long Thành và tuyến đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Shuhei Tabata, Tổng giám đốc Công ty Fuji Medic cam kết sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế ở khu vực ĐBSCL do đây là khu vực có chi phí đầu tư thấp, nhất là lao động và chi phí mặt bằng.

Ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hai nước hiện đã có tổng cộng 53 biên bản ghi nhớ và hiệp định được ký kết giữa các địa phương. Trong đó, có 14 văn kiện hợp tác vừa được ký kết trong vòng một năm trở lại đây với 6 văn bản hợp tác có liên quan đến khu vực ĐBSCL. “Điều này có thể thấy mối quan tâm của các tỉnh, thành Nhật Bản đang hướng dần về khu vực ĐBSCL”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, nhận định hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. “Với khả năng bổ sung cho nhau, tôi tin tưởng chúng ta còn rất nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hợp tác nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông cho biết và khẳng định Việt Nam cũng như các địa phương khu vực ĐBSCL luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các địa phương, nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục mở rộng hợp tác về mọi mặt.

Ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Nhật Bản

Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết các bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản như bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản thành phố Cần Thơ với Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam thành phố Sakai; thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm công nghệ sinh học tỉnh An Giang, UBND huyện Châu Thành với Công ty Hagihara và Công ty Daimasa Engineering Nhật Bản.

Ngoài ra, dịp này Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific cũng ký kết bản thỏa thuận với Cục ngoại vụ Bộ Ngoại giao để tham gia đồng hành với các hoạt động của cơ quan này, nhằm kết nối địa phương, đối tác trong và ngoài nước, nhất là trong các hoạt động quảng bá ở các hội nghị gặp gỡ đại sứ.

Mời xem thêm:

Cần Thơ: thu hút đầu tư Nhật Bản từ trung tâm đổi mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới