Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vốn nhiều nhưng chất lượng đáng lo ngại!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vốn nhiều nhưng chất lượng đáng lo ngại!

Nếu đăng ký nhiều nhưng hấp thụ chẳng được bao nhiêu thì không thể nói việc thu hút FDI đã thành công

(TBKTSG)- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng qua lên tới hơn 46 tỉ đô la Mỹ và theo dự báo có thể đạt 50 tỉ đô la trong năm 2008. Đây là số vốn đăng ký cao nhất từ trước đến nay, tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về chất lượng của dòng vốn đầu tư này.

Băn khoăn những con số

Vấn đề được dư luận quan tâm là khả năng biến những dự án “trên giấy” trở thành hiện thực. Nếu đăng ký nhiều nhưng hấp thụ chẳng được bao nhiêu thì không thể nói việc thu hút FDI đã thành công. Thực tế lại cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là tỷ lệ giải ngân so với vốn cam kết ngày càng giảm và đặc biệt nếu trong năm nay giải ngân được 12 tỉ đô la trong tổng vốn cam kết dự kiến khoảng 50 tỉ đô la Mỹ đúng như kỳ vọng của Cục Đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ giải ngân cũng chỉ đạt 24%, thấp nhất từ trước đến nay (theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn 1988-2007 giải ngân được 43 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 52,2% tổng vốn đăng ký).

Như vậy đến hết 2008 vẫn còn  khoảng trên 77 tỉ đô la vốn đã đăng ký nhưng vẫn còn nằm “trên giấy”. Đây là con số rất đáng suy gẫm mà nguyên nhân nằm ở những “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế: sự yếu kém về cơ sở hạ tầng (giao thông, điện…); chậm giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nhân lực; sự yếu kém của nền hành chính công…

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, không loại trừ khả năng các dự án bị “thổi phồng” nhằm mục đích dễ được cơ quan quản lý chấp thuận. Vụ dự án xây dựng khu liên hợp gang thép khổng lồ với lời hứa hão đầu tư 30 tỉ đô la của tập đoàn Eminence vào năm ngoái cho thấy lời cảnh báo nói trên không phải không có cơ sở.

Do đó, nếu việc thẩm định dự án thiếu cẩn trọng sẽ gây hậu quả là bao nhiêu khu đất đẹp, mặt bằng lớn đều dành cho những dự án nước ngoài không thực chất trong khi các doanh nghiệp trong nước phải trầy trật đi “xin” hoặc chuyển nhượng với giá rất cao. Chỉ riêng một dự án như dự án khu liên hợp gang thép, cảng biển nước sâu Sơn Dương ở Hà Tĩnh, tập đoàn Formosa đã được quyền sử dụng, khai thác 2.000 héc ta đất và 1.000 héc ta mặt biển mà theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam, đây là một sự ưu đãi “thật khó tưởng tượng nổi”.

Mặt khác, xét về cơ cấu vốn chủ sở hữu với vốn đăng ký, theo tính toán của một số chuyên gia, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 30% (thời kỳ 1991-2006 khoảng 44,5%). Như vậy, sẽ có khoảng 70% trong tổng vốn cam kết 50 tỉ đô la, tức khoảng 35 tỉ đô la phải là vốn vay để thực hiện dự án. Để có nguồn vốn này, nhà đầu tư có hai cách: hoặc phải vay ở nước ngoài hoặc vay ở nước sở tại. Việc vay vốn nước ngoài hiện không dễ dàng vì nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, như vậy rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cách vay vốn ở nước sở tại.

Theo bà Phạm Chi Lan, đây là hiện tượng từng xảy ra ở Ấn Độ, gây nên tình trạng chèn ép các doanh nghiệp của nước sở tại trong việc vay vốn, đến mức người ta gọi hiện tượng này bằng những thuật ngữ như “cướp vốn”, “cướp ngân hàng”. “Chỉ cần dồn vốn cho vài dự án của nước ngoài, thường là những dự án lớn thì điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ của chúng ta bị mất đi cơ hội được vay vốn và trong điều kiện khó khăn như hiện nay miếng bánh thị trường vốn đã nhỏ lại càng nhỏ hơn”, bà Phạm Chi Lan cảnh báo.

Điều quan trọng hơn là nếu hiện tượng đó xảy ra thì công cuộc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ không còn phù hợp với mục tiêu quốc gia là tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Nỗi lo về những “siêu dự án”

Về cơ cấu đầu tư và quy mô dự án, theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, có một xu hướng trái ngược là nếu trước đây dòng vốn chủ yếu thiên về các ngành nghề sản xuất thì trong năm nay lại tập trung quá lớn cho một số “siêu dự án” thuộc các ngành nghề tìm kiếm, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và “xuất khẩu” (tại chỗ) khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tám tháng đầu năm nay cho thấy có đến 91% vốn đăng ký thuộc những ngành nghề trên. Ví dụ dầu khí 22,8%; công nghiệp nặng 20,7% (chủ yếu sắt thép)… Có ý kiến cho rằng hiện tượng tăng vốn đầu tư đột biến vào các ngành nghề trên cho thấy đây có thể là kết quả của sự sẵn sàng trao quyền khai thác tài nguyên cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn là kết quả của môi trường kinh doanh được cải thiện.

Điều khiến các chuyên gia băn khoăn là hiệu quả đóng góp của những siêu dự án nói trên đối với nền kinh tế cũng như hệ quả lâu dài của chúng. “Các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên, chẳng hạn như dự án sản xuất gang thép hay các dự án về bất động sản có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường nội địa nhưng chúng không tạo ra giá trị gia tăng hay ngoại tệ nào cả”, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phát biểu.

Mặt khác, theo bà Phạm Chi Lan, với những “siêu dự án” thì trong giai đoạn đầu do nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nên bắt buộc nhà đầu tư phải nhập khẩu. Điều này sẽ tạo sức ép cho nguồn cung ngoại tệ cũng như càng làm cho nhập siêu tăng, trong khi Chính phủ đang chủ trương hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng lo nhất là những “siêu dự án” nhà cao tầng, khu resort mọc lên sẽ “ngốn” một lượng điện cực lớn, dẫn đến tình trạng điện dành cho sinh hoạt, sản xuất đã thiếu lại càng thiếu trầm trọng hơn: “Điều vô lý còn nằm ở chỗ điện của chúng ta đang được trợ giá. Như vậy, các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng càng nhiều càng được hưởng lợi”.

Về lâu dài, các dự án tương tự còn gây ra một số hậu quả nghiêm trọng như làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường… “Hiện nay, nhiều nước trên thế giới rất coi trọng việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, họ chủ trương hạn chế khai thác, thậm chí đóng cửa khai thác. Tôi cho rằng nếu chúng ta chưa có điều kiện thì chưa nên mở cửa cho khai thác với bất cứ giá nào. Việc khai thác có thể để cho thế hệ sau làm, tài nguyên chẳng những không mất đi mà giá trị còn tăng lên khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt”, bà Phạm Chi Lan đề nghị.

NGUYÊN TẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới