Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vòng luẩn quẩn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vòng luẩn quẩn

Hồ Thị Phương Trinh

An Giang mùa nước nổi. Ảnh: Metinfo.

(TBKTSG) – Nói đến ĐBSCL, ai cũng biết là vựa lúa gạo của đất nước, năm 2009 sản lượng gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục: hơn 6 triệu tấn, thu về hơn 2,4 tỉ đô la Mỹ (theo báo Sài Gòn Giải Phóng Online 12-2009). Tuy vậy, đời sống của nông dân ở vùng này lại không hề tăng tỷ lệ thuận với sản lượng lúa mà họ làm ra. Họ dường như bị bỏ lại bên lề của công cuộc phát triển kinh tế.

An Giang là tỉnh có sản lượng lúa cao nhất nhì của vùng ĐBSCL nhưng đa số nông dân không có nhiều ruộng, gia đình nào có 5-10 công ruộng là đã thuộc loại khá giả. Tính theo thời giá hiện tại, trồng lúa sẽ cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/vụ/công. (Tính thu nhập từ trồng lúa dựa trên thực tế, bản thân người viết cũng làm ruộng, không tính giá thành theo sách vở).

Nếu đất chỉ làm hai vụ thì thu được 2 triệu/công/năm, ba vụ thì được 3 triệu/công/năm. Đất ở vùng An Giang màu mỡ cho năng suất cao là nhờ mỗi năm có mùa nước nổi mang phù sa về làm tươi mới đồng ruộng.

Vì có mùa nước nổi nên mỗi năm chỉ làm được hai vụ lúa, nếu đắp đê bao để tăng canh lúa vụ ba thì phải chịu mất nguồn phù sa quý giá, mà như vậy thì chỉ vài ba năm là đất đai sẽ cằn cỗi, không cho năng suất cao được nữa! Làm hai vụ thì ít tiền, làm ba vụ thì tăng thu nhập trước mắt nhưng sẽ không bền vững!

Lấy thí dụ, một gia đình nông dân trung bình, hai vợ chồng và ba đứa con, có 5 công ruộng, làm ba vụ một năm thì thu nhập của họ sẽ là 15 triệu một năm cho cả gia đình, tức là thu nhập bình quân đầu người sẽ là 250.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập này thì ăn còn không đủ nói gì đến chuyện học hành, chữa bệnh. Đi du lịch là chuyện không mơ thấy nổi với họ!

Họ sẽ không được xếp vào diện hộ nghèo không chỉ vì chuẩn nghèo ở nông thôn là thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/tháng mà còn vì tài sản 5 công ruộng của họ trị giá từ 300 – 400 triệu đồng (tùy loại đất), một con số lớn đối với nông dân! Do vậy, nếu nhà họ có thêm nhân khẩu, kéo mức bình quân thu nhập xuống dưới mức 200.000 đồng/tháng thì họ vẫn khó được xếp vào diện hộ nghèo.

Những gia đình nông dân như nói trên chiếm đa số ở tỉnh An Giang và ĐBSCL. Nếu thu nhập của họ tăng lên mức 1 triệu/người/tháng thì cũng chỉ đủ ăn chứ vẫn chưa lo nổi chuyện học hành hay chữa bệnh. Nhưng để tăng thu nhập lên mức 1 triệu thì hoặc là tăng diện tích ruộng lên 4 công/một đầu người, hoặc tăng giá lúa lên gấp bốn lần. Cả hai hướng này đều không khả thi. Diện tích ruộng bình quân ở An Giang là 1,5 công/người và diện tích này ngày càng ít đi do dân số tăng và do đất ruộng bị mất vì bị chuyển thành khu công nghiệp, khu dân cư… Giá lúa thì cứ lặp đi lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá”, không rớt giá là mừng chứ hy vọng gì tăng giá!

Những người nông dân như thế sẽ bị trói chặt vào kiếp nghèo. Họ phải kiếm thêm thu nhập bằng cách làm thuê làm mướn, có thể nuôi heo, nuôi gà vịt nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu vì nghề chăn nuôi cũng bấp bênh không thua nghề trồng lúa, làm mướn lại càng bấp bênh hơn nữa! Vì nghèo, con cái họ khó lòng học hành thành tài để có thể đổi đời, và rồi cái vòng luẩn quẩn lại tiếp tục. Nếu gia đình họ có một tai biến nào đó, hoặc có người bị bệnh nặng là lập tức họ rơi vào khốn quẫn, sẽ mau chóng phải bán ruộng bán đất để lo trang trải, và sau đó sẽ “đạt” chuẩn hộ nghèo để rồi khó lòng thoát ra nổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới