Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“VSSA phản ứng với đường nhập lậu là bình thường”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“VSSA phản ứng với đường nhập lậu là bình thường”

Ngọc Hùng thực hiện

Ông Nguyễn Đỗ Kim. Ảnh: Ngọc Hùng

TBKTSG Online) – Tại hầu hết các cuộc họp trong thời gian qua, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đều đề cập vấn đề đường nhập lậu không kiểm soát được tại các tỉnh Tây Nam khiến các nhà máy đường trong nước không bán được sản phẩm, lượng hàng tồn kho tăng, và điều này ảnh hưởng đến giá mía nguyên liệu mà các nhà máy này mua từ nông dân.

>>> Xuất khẩu đường lúc được lúc không

>>> Khó ngăn chặn đường nhập lậu

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Kim, Phó đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan xung quanh vấn đề này.

TBKTSG Online: Ông có nhận xét gì về việc VSSA thường phàn nàn về tình trạng đường nhập lậu diễn biến phức tạp ở biên giới Tây Nam gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành mía đường?

Ông Nguyễn Đỗ Kim: Trong trường hợp bị sức ép của đường nhập lậu thì VSSA có phản ứng là chuyện bình thường. Chúng tôi cũng thường xuyên liên hệ với VSSA để nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội trong công tác quản lý, kiểm soát các lô đường do các nhà máy đường sản xuất bán tiêu thụ cho các tổ chức, cá nhân có trụ sở tại khu vực biên giới để chủ động trong công tác phòng chống buôn lậu đường.

Tuy nhiên, do đặc điểm tình hình địa bàn biên giới phía Nam phức tạp, đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia trải dài, nhiều kênh rạch, đường mòn lối mở (đặc biệt là về mùa nước nổi) gây không ít khó khăn cho công tác kiểm soát chống buôn lậu của các lực lược chức năng nói chung và lực lượng hải quan nói riêng.

Mặt khác chúng ta cần phân tích kỹ một chút về đường của Thái Lan để biết vì sao đường nước này luôn có giá thấp hơn của Việt Nam và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam.

Chúng ta đều biết, so với Việt Nam thì Thái Lan có sản lượng đường sản xuất mỗi vụ gấp mấy lần và họ cũng có những hạn ngạch khác nhau. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất đường Thái Lan sau khi làm xong những hạn ngạch A, B thì còn có hạn ngạch C có thể xuất khẩu với giá nào cũng được. Điều này có thể hiểu là doanh nghiệp mía đường của Thái Lan đã có lãi từ hai hạn ngạch A, B rồi, còn hạn ngạch C bán với giá cao thì lời nhiều, giá thấp một chút cũng không sao. Lâu nay, đường Thái Lan đưa vào Việt Nam chủ yếu là nằm ở hạn ngạch C. Vì thế, nếu một khi giá đường trong nước còn cao thì đường nhập lậu từ Thái Lan sẽ về nhiều và ngược lại.

Khó khăn trong việc ngăn chặn đường nhập lậu là gì thưa ông?

– Do đặc điểm của địa bàn các tỉnh biên giới phía Nam phức tạp, đường biên giới trải dài, nhiều khi chỉ có dòng sông chung nên vào mùa nước nổi còn được, còn về mùa khô thì chỉ cách nhau một khoảng cách rất ngắn nên khi thấy lực lượng hải quan đến là họ đưa thuyền, ghe qua bên kia biên giới.

Mặt khác nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng lập nhiều kho hàng ở sát dọc biên giới, có trang bị băng chuyền để bốc xếp nông sản nên chỉ cần 15 phút là họ có thể bốc dỡ xong một ghe đường nhập lậu. Khi hàng đã vào kho rồi, hải quan phải phối hợp và các lực lượng chức năng kiểm tra thì họ đều trình hóa đơn mua đường từ nhà máy đường trong nước (Cần Thơ, Sóc Trăng…) nên buộc chúng tôi xác minh làm rõ nguồn gốc đường. Để xác định tính xác thực của những hóa đơn mua bán (hợp thức hóa cho những lô đường nhập lậu), chúng tôi phải lấy mẫu đường đem kiểm tra, giám định thành phần hóa lý trước khi chuyển kết quả cho VSSA để xem đường do nhà máy nào sản xuất mới có căn cứ để xử lý. Thời gian cho quá trình xác minh này có khi kéo dài khoảng từ 1 đến 2 tháng.

Một trong những khó khăn nữa là lực lượng kiểm soát chống buôn lậu quá mỏng, hiện nay đơn vị đội của tôi chỉ có 6 người thuộc nhóm phụ trách chống buôn lậu ở các tỉnh biên giới Tây Nam (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long, Cần Thơ…) nên cũng có những hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Trong năm 2012, Cục điều tra chống buôn lậu và VSSA có văn bản ghi nhớ hỗ trợ, cung cấp thông tin về chống buôn lậu. Đến nay hiệu quả của hợp tác này như thế nào, thưa ông?

– Chúng tôi đã thu được những kết quả nhất định, bao gồm bắt được gần 200 tấn đường nhập lậu trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi biết các lực lượng chống buôn lậu tăng cường các hoạt động kiểm tra các điểm nóng về buôn lậu đường dọc biên giới thì các đối tượng buôn lậu cũng có những cách khác nhau để theo dõi những hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu đi đâu, làm gì, vào thời điểm nào.

Cách của những đối tượng này là thuê người canh đường, theo dõi mọi biến động của các lực lượng chống buôn lậu. Và, một khi bị mất một số tiền lớn, các đối tượng buôn lậu luôn đưa ra thách thức, dọa trả thù, khiếu kiện…. Phía VSSA cũng đã biết được việc này khi tham gia chống buôn lậu đường.

Xin cảm ơn ông!

VSSA lo HAGL bán đường cho DN trong nước

Khi có thông tin Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tìm cách bán đường được sản xuất tại Lào cho Công ty Đường Biên Hòa, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã bày tỏ lo ngại việc HAGL bán đường vào Việt Nam nếu được phép sẽ khiến các nhà máy sản xuất đường trong nước rơi vào cảnh thua lỗ và cuối cùng là ảnh hưởng đến người trồng mía.

VSSA cho rằng điều này sẽ tạo một tiền lệ xấu để cho những doanh nghiệp khác nhập đường từ các nước trong khu vực theo đường tiểu ngạch. Theo VSSA, chi phí của các nhà máy sản xuất trong nước cao hơn 3 lần chi phí sản xuất sản xuất đường của HAGL nên không thể cạnh trạnh với doanh nghiệp này. Đó là chưa kể đường của Thái Lan cũng rẻ hơn đường trong nước.

Theo VSSA, đường do HAGL đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành và chất lượng đủ điều kiện để xuất đi châu Âu theo ưu đãi thuế quan nhập khẩu của Cộng đồng chung châu Âu dành cho nước Lào kể từ tháng 3-2011, vì thế, HAGL nên khai thác kênh tiêu thụ này tốt hơn là chuyển đường về Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới