Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vụ chuyển nhượng ngân hàng Bear Stearns: Rắc rối kéo dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ chuyển nhượng ngân hàng Bear Stearns: Rắc rối kéo dài

Một ngân hàng đầu tư nổi tiếng song giá trị cổ phiếu chỉ còn 2 đô la.

(TBKTSG Online) – Theo nhận định của ông Christopher Cox, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ, sự sụp đôt của Ngân hàng đầu tư Bear Stearns Cos. (BSC) không phải do thiếu tiền mà do thiếu lòng tin.

1. Tối Chủ nhật 23-3, Ngân hàng JPMorgan Chase (JPM) bất ngờ đề nghị nâng giá mua Ngân hàng đầu tư Bear Stearns Cos. (BSC) lên 4 lần so với mức giá đã thỏa thuận, tức 10 đô la/cổ phần, trong một nỗ lực xoa dịu các cổ đông đang tức giận của Bear Stearns. Mới tuần trước, lãnh đạo hai ngân hàng, theo chỉ thị của Cục Dự trữ liên bang (FED) và Bộ Tài chính Mỹ, đã đồng ý sáp nhập vào nhau và định giá mỗi cổ phiếu của BSC là 2,32 đô la, bằng 1/15 giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm đó.

Giá mua bán này gây phẫn nộ cho cổ đông của Bear Stearns – một tập đoàn tài chính có 85 năm lịch sử và được kính nể ở Wall Street; hàng loạt đơn kiện ban lãnh đạo BSC đã được nộp lên các tòa án liên bang và tiểu bang.

Ví dụ, đơn kiện của Quỹ hưu bổng ngành cảnh sát và cứu hỏa thành phố Detroit – chủ sở hữu 13.500 cổ phần của BSC, cho rằng giá mua bán không phản ánh được giá trị của BSC, cổ đông bị đối xử tàn tệ vì ban lãnh đạo không tìm cách nâng cao hay cứu vãn giá trị cổ phiếu. Nhiều cổ đông đề nghị đưa ngân hàng BSC ra đấu giá công khai trên thị trường.

Tại New York, nhà đầu tư nộp đơn lên tòa liên bang ở Manhattan tố cáo ban lãnh đạo BSC “lừa dối nhà đầu tư về tình hình tài chính của công ty”. Nhà đầu tư người Anh Joseph Lewis – cổ đông lớn nhất của BSC, người từng mua 1,26 tỉ đô la cổ phiếu BSC vào năm ngoái với giá bình quân 104 đô la/cổ phiếu – tuyên bố sẽ làm mọi việc cần thiết để ngăn chặn vụ mua bán này và yêu cầu tìm một phương án thay thế thỏa thuận chuyển nhượng cho JPM.

2. Sự sụp đổ của BSC diễn ra nhanh bất ngờ. Cuối tháng 2-2008, cổ phiếu của BSC còn giao dịch ở mức 93 đô la, tụt dần xuống 30 đô la vào ngày 14-3. Ngay sau đó, các khách hàng của BSC đã rút 17 tỉ đô la trong khi có lời đồn đoán rằng BSC mất khả năng thanh toán và có nguy cơ phá sản. Vấn đề nằm ở chỗ BSC đầu tư rất nhiều vào các loại cổ phiếu dựa trên các món vay mua nhà dưới chuẩn, cho vay cầm cố cổ phiếu (repo) mà nhà đầu tư không biết được giá trị các món vay này cũng như giá trị tài sản thế chấp mà BSC nắm giữ.

Từ giữa năm ngoái, khi thị trường tín dụng Mỹ bắt đầu khủng hoảng do nhà đất sụt giá và người vay không có khả năng thanh toán, hai quỹ đầu tư của BSC bị phá sản, giám đốc quỹ bị thay thế và công ty liên tiếp đối mặt với các vụ kiện tụng của giới đầu tư. Chính sự sụp đổ hai quỹ đầu tư của Bear Stearns vào tháng 6-2007 cũng đã gây tác động tâm lý làm cho cuộc khủng hoảng nhanh chóng trở nên trầm trọng vào tháng 8-2007.

Tháng 12-2007, Bear Stearns công bố mức lỗ quí 4-2007 là 854 triệu đô la, tương đương 6,9 đô la/cổ phiếu; đồng thời thất thoát 1,9 tỉ đô la đầu tư vào cổ phiếu cầm cố. Sang đầu năm nay các ngân hàng từ chối cho BSC vay vốn và BSC rơi vào khủng hoảng thanh khoản, buộc phải thông báo tình hình nguy cấp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ và chuẩn bị nộp đơn xin phá sản, chấm dứt hoạt động của ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 của thị trường tài chính New York. 

Theo nhận định của ông Christopher Cox, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ, sự sụp đổ của BSC không phải do thiếu tiền mà do thiếu lòng tin. Ông Cox lưu ý rằng những vấn đề của BSC trở nên trầm trọng rất nhanh khi tin đồn về khủng hoảng thanh khoản của BSC lan rộng, xói mòn lòng tin của nhà đầu tư, mặc dù “BSC vẫn có những khoản thế chấp có chất lượng bảo đảm cho các khoản cho vay của mình”, ông Cox nói với báo chí.

Hiện tượng mất lòng tin dẫn tới sụp đổ của BSC có vẻ như lặp lại tình huống của tập đoàn Enron trước đây.

3. Trước nguy cơ đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống tín dụng, FED vào cuộc, cam kết cung cấp cho JPM khoản tín dụng nóng 30 tỉ đô la để ngân hàng này mua lại những khoản nợ của BSC đồng thời mua lại BSC với mức giá 236 triệu đô la, chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng tài sản của BSC. Vai trò của FED và Bộ Tài chính Mỹ trong thương vụ này cũng gây nhiều tranh cãi và theo nhiều chuyên gia, FED hiện đứng trước một tình huống khó xử: phê duyệt hay không phê duyệt thỏa thuận mới giữa JPM và BSC?

Tuần trước giới đầu tư đã phẫn nộ với sự can thiệp của FED và Bộ Tài chính Mỹ vì cho rằng Chính phủ Mỹ dùng tiền của người dân đóng thuế vào việc cứu một doanh nghiệp tư nhân lẽ ra phải tự chịu trách nhiệm về những hoạt động kinh doanh đầy rủi ro của mình. Sự phẫn nộ đã buộc Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson – người tham gia mật thiết vào các cuộc thương lượng giữa hai ngân hàng – phải lên truyền hình lý giải rằng, hành động của các cơ quan quản lý tài chính không phải là biện pháp giải cứu mà là một phương cách duy trì sự ổn định của toàn hệ thống tín dụng. Trong chương trình Today của Đài NBC, ông Paulson nói rằng, với giá 2 đô la/cổ phần, cổ đông của BSC thiệt hại rất nhiều nên không thể coi đây là vụ giải cứu (bailout) của chính phủ.

Bây giờ, giá mua lại BSC được nâng lên 10 đô la/cổ phần – tuy vẫn còn thấp so với giá giao dịch của BSC trước khi xảy ra vụ khủng hoảng – giới đầu tư càng có cơ sở để lên án sự can thiệp của chính phủ vào vụ sáp nhập, coi đó như một hành động làm méo mó thị trường và tạo tiền lệ xấu cho những vụ khủng hoảng trong tương lai. Nếu từ chối phê duyệt thỏa thuận mới, với mức giá mới mà JPM đề xuất, FED và Bộ Tài chính Mỹ vẫn có thể bị kiện vì cản trở doanh nghiệp thực hiện một giao dịch hợp pháp trên thị trường.

4. Bây giờ quyết định cuối cùng nằm trong tay các cổ đông của BSC, trong đó 14.000 nhân viên BSC sở hữu 30% vốn có nguy cơ mất cả vốn lẫn việc làm. Theo một nguồn tin từ các cuộc thương lượng, nếu vụ mua bán không được cổ đông BSC thông qua, Ban giám đốc của BSC vẫn tìm cách bán cho JPM 39,5% số cổ phần – luật của bang Delaware, nơi công ty đăng ký hoạt động, cho phép công ty được chuyển nhượng tối đa 40% cổ phần mà không cần qua đại hội cổ đông.

Nếu như vậy, JPM chỉ cần vận động cổ đông BSC bán thêm cho mình 10,5% số cổ phần là đã có thể hoàn tất thương vụ mà họ đang đeo đuổi. Riêng ban lãnh đạo BSC hiện nay nắm giữ khoảng 5% cổ phần. Trong trường hợp xấu nhất, theo ông James Dimon, Tổng giám đốc tập đoàn JPM, “hãy để cho Bear được phá sản”. Kết cục này chắc chắn sẽ gây nhiều ác mộng cả về pháp lý lẫn quan hệ với công chúng cho tất cả các bên.

HUỲNH HOA (Tổng hợp từ New York Times, Washington Post và Bloomberg)  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới