Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vụ kiện 11 tỉ đô la đe dọa nền kinh tế lớn nhất châu Phi

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nigeria có thể gặp khó khăn với khoản bồi thường trị giá 11 tỉ đô la Mỹ cho một công ty dầu khí ít tên tuổi nếu tòa án tối cao ở London (Anh) không đưa phán quyết có lợi cho nước này trong một vụ tranh chấp hợp đồng về khí đốt.

Tòa án tối cao ở London (Anh) đang xét xử kháng cáo của chính phủ Nigeria nhằm lật ngược phán quyết bồi thường 11 tỉ đô la cho một công ty dầu khí nước ngoài. Ảnh: AP

Hôm 23-1, tòa án tối cao ở London bắt đầu tiến hành xét xử kháng cáo của chính phủ Nigeria, yêu cầu bác bỏ khoản bồi thường nói trên. Nguồn cơn của vụ việc bắt nguồn từ một hợp đồng ký kết vào năm 2010 giữa chính phủ Nigeria và Process & Industrial Development Ltd. (P&ID), một công ty dầu khí đăng ký hoạt động tại Quần đảo Virgin thuộc Anh và thuộc quyền kiểm soát của hai doanh nhân người Ireland ít tiếng tăm.

Theo đó, chính phủ Nigeria đồng ý cung cấp miễn phí khí ướt (wet gas, loại khí thu được từ hoạt động khai thác dầu)  trong 20 năm cho một cơ sở chế biến khí mà P&ID sẽ xây dựng. Đổi lại, Nigeria sẽ nhận khí gầy (lean gas) từ cơ sở này để sản xuất điện. Thỏa thuận cho phép P&ID bán các phụ phẩm (các loại khí khác thu được trong quá trình xử lý khí ướt) để thu lợi nhuận. Trong khi đó, chính phủ Nigeria sẽ cải thiện nguồn cung điện nhờ khí gầy.

P&ID cho biết công ty đã không thể xây dựng cơ sở chế biến khí theo kế hoạch vì chính phủ Nigeria không cung cấp khí ướt như thỏa thuận. Vào năm 2012, P&ID đã khởi động tiến trình phân xử trọng tài sau khi các nỗ lực giải quyết tranh chấp bên ngoài tòa án không có kết quả.

Năm năm sau đó, một tòa án trọng tài ở London ra phán quyết yêu cầu Nigeria bồi thường 6,6 tỉ đô la cho P&ID để bù đắp cho khoản lợi nhuận bị mất mát do quốc gia Tây Phi này vi phạm hợp đồng. Kể từ đó, tiền bồi thường đã tăng lên mức hơn 11 tỉ đô la do tiền lãi. Số tiền này tương đương gần 1/3 dự trữ ngoại hối của Nigeria. Nếu bị  tòa yêu cầu trả khoản bồi thường khổng lồ như vậy,  đó sẽ một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn nhất châu Phi, vốn vẫn đang phục hồi sau cơn suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Nigeria hiện tìm cách thuyết phục tòa án tối cao ở London bác bỏ phán quyết bồi thường vì cho rằng hợp đồng nói trên được ký kết nhờ các khoản hối lộ cho các cựu quan chức chính phủ Nigeria.

Nigeria cũng cho rằng P&ID thông đồng với các cựu luật sư và quan chức chính phủ để thực hiện các bào chữa giả tạo khi vụ việc được đưa ra tòa án trọng tài. Hiện Nigeria đang nằm dưới quyền lãnh đạo của một đảng chính trị khác, vì vậy, các cơ quan thực thi pháp luật của nước đang điều tra các cáo buộc hối lộ liên quan đến P&ID.

Hôm 23-1, Mark Howard, luật sư của chính phủ Nigeria, khẳng định nhiều bằng chứng cho thấy hợp đồng với P&ID giống như một vụ lừa đảo.

Trong một tài liệu được trình ra tòa trước phiên xét xử hôm thứ 23-1, các luật sư của chính phủ Nigeria cho biết tham nhũng quy mô lớn của P&ID bao gồm các khoản hối lộ lên tới hàng trăm nghìn đô la được che đậy bằng các từ mã như  “Dublin expenses” (chi phí Dublin) và một mạng lưới các công ty hải ngoại và trung gian. Họ cáo buộc P&ID đã đốt và tiêu hủy các tài liệu, mua chuộc sự im lặng của các nhân chứng.

P&ID phủ nhận mọi hành vi sai trái và mô tả các cáo buộc gian lận của chính phủ Nigeria là nỗ lực nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý. Các luật sư của P&ID cho rằng Nigeria đã bỏ tù những người được coi là thân cận với P&ID “trong những điều kiện gây sốc” để họ khai man những lời thú tội.

Trong vòng một năm sau phán quyết của tòa án trọng tài, quỹ phòng hộ VR Capital Group ở London đã ký một thỏa thuận trị giá 45 triệu đô la để mua 25% cổ phần của P&ID. VR Capital sau đó đã tăng tỷ lệ sở hữu ở P&ID lên 51%. Đại diện của VR Capital cho biết P&ID sẽ đưa ra bào chữa đầy đủ để bác bỏ các “cáo buộc vô căn cứ của Nigeria”.

Vụ xét xử tranh chấp giữa chính phủ Nigeria và P&ID ở tòa án tối cao London là một trong những vụ xét xử lớn nhất trong lịch sử nước Anh xét theo số tiền bồi thường liên quan. Thời gian xét xử dự kiến ​​kéo dài cho đến tháng 3. Trong khi đó, Nigeria sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 25-2.

Người phát ngôn của chính phủ Nigeria với Bloomberg: “Nigeria rất mong chờ cơ hội trình bày vụ việc trước tòa án tối cao ở London và tin tưởng rằng công lý cuối cùng sẽ được thực thi”.

Nếu chính phủ Nigeria bị xử thua trong phiên tòa hiện tại ở London, tổng thống sắp tới của nước này sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng về việc liệu có nên tham gia lại cuộc đàm phán dàn xếp số tiền bồi thường với P&ID hay tiếp tục khiếu nại gian lận. Trách nhiệm pháp lý từ khoản bồi thường chưa được giải quyết có thể khiến Nigeria tốn kém hơn trong việc huy động vốn vay trên thị trường vốn quốc tế.

Phiên tòa diễn ra vào thời điểm nền kinh tế của Nigeria, nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, đang gặp khó khăn. Trong 11 tháng đầu năm ngoái, chính phủ Nigeria đã chi 80% nguồn thu ngân sách để trả nợ khi sản lượng dầu giảm và chi tiêu ngân sách tăng lên.

Dù kết quả của phiên tòa như thế nào thì đó có thể chưa phải không phải là quyết định cuối cùng vì các bên còn cơ hội kháng cáo lên tòa phúc thẩm Anh và cuối cùng là tòa án tối cao Anh.

Helen Taylor, nhà nghiên cứu pháp lý ở tổ chức vận động chống tham nhũng Spotlight on Corruption, nói: “Quyền lợi trong vụ tranh chấp khổng lồ này quá lớn đối với người dân Nigeria khi họ có khả năng mất số tiền tương đương gần 1/3 toàn bộ ngân sách của đất nước vào năm 2023 cho một công ty nhỏ ở nước ngoài với cơ cấu sở hữu mờ đục”.

Bà cũng đặt câu hỏi về việc liệu hệ thống luật pháp của Anh có vô tình trở thành phương tiện cho một vụ lừa đảo phức tạp trị giá 11 tỉ đô la hay không.

Theo Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới