Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vụ ô nhiễm sông Cái Lớn: Không phải lần đầu xảy ra!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vụ ô nhiễm sông Cái Lớn: Không phải lần đầu xảy ra!

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Nói về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở khu vực huyện và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nói chung cũng như trên sông Cái Lớn đoạn qua khu vực này nói riêng, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra.

10 ngày chưa tìm ra nguyên nhân sông Cái Lớn ô nhiễm nghiêm trọng

Vụ ô nhiễm sông Cái Lớn: Không phải lần đầu xảy ra!
Không phải lần đầu tiên sông Cái Lớn đoạn qua huyện và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bị ô nhiễm. Trong ảnh là nước sông khu vực thị xã Long Mỹ đen kịt vì ô nhiễm. Ảnh: Hải Dương

Hôm nay, 6-5, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã cùng các sở, ngành liên quan của địa phương này có cuộc "thị sát" để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiêm môi trường nghiêm trọng trên sông Cái Lớn đoạn qua huyện và thị xã Long Mỹ nói riêng và trên các sông thuộc khu vực huyện và thị xã Long Mỹ nói chung.

Phát biểu tại buổi làm việc nhân chuyến đi thực tế này, ông Châu cho biết, vấn đề môi trường phát sinh ở huyện và thị xã Long Mỹ không phải là lần đầu tiên xảy ra. “Tôi được biết, những năm trước đây, thỉnh thoảng cũng xảy ra những trận như vậy”, ông cho biết và nhấn mạnh, xét về tính chất và mức độ, thì lần này là nghiêm trọng nhất.

Ông Châu cho biết, tình hình nguồn nước tại những nơi được khảo sát đã trở lại bình thường. “Qua thông tin của công ty cấp thoát nước công trình đô thị của tỉnh cũng như của huyện, thì thấy nước mặt để cung cấp xử lý cho người dân đã trở lại bình thương từ ngày 3-5”, ông cho biết.

Tuy nhiên, liên quan vấn đề này, ý kiến của một số nhà chuyên môn cho rằng, trước khi sử dụng trở lại nguồn nước mặt ở khu vực này nhằm xử lý cấp nước sinh hoạt cho người dân ở huyện và thị xã Long Mỹ, thì cần phải dựa trên kết quả phân tích các chỉ số liên quan, chứ không thể dựa vào nguồn nước trong trở lại mà vội sử dụng. 

Trước khi đoàn đi khảo sát, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang và Công an tỉnh đã có báo cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh. Hai báo cáo này "cơ bản" giống nhau, tức đã xác định rõ nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt các quy định từ 0,5 đến 3,5 lần, thậm chí có nơi gấp 4 lần. “Nhưng, nguyên nhân đích thực của nó bắt đầu từ đâu, nguyên nhân chính là gì, thì cuộc khảo sát này nhằm để xác định”, ông cho biết và nói rằng "nơi xuất phát”  của nguồn gây ô nhiễm đang được tập trung ở chỗ Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát. “Nhưng, đó có phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân duy nhất hay không, thì câu chuyện chúng ta phải xem”, ông nói.

Trong văn bản trả lời TBKTSG Online hôm 4-5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết, qua quan trắc, nguồn nước mặt trên sông Cái Lớn đoạn qua thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ cho thấy có nhiều chỉ số đã vượt quy định cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A2.

Cụ thể, thông số TSS có kết quả vượt quy chuẩn quy định từ 1,9- 2,6 lần; thông số COD vượt quy chuẩn từ 2,3- 4,4 lần; thông số P-PO43- vượt quy chuẩn từ 1,6- 3,5 lần; hàm lượng oxi hòa tan trong nước rất thấp, dao động từ 0- 0,7 mg/lít, trong khi quy chuẩn quy định ≥ 5 mg/lít. “Nhìn chung, nguồn nước mặt khu vực bị ô nhiễm hữu cơ làm phát sinh mùi hôi và màu đen”, Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang cho biết.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến ô nhiễm, tuy nhiên, xác định trên các tuyến sông, kênh ở khu vực bị ô nhiễm có các nguồn thải từ cơ sở xay xát lúa gạo, giết mổ, hoạt động chăn nuôi, nước thải đô thị và nguồn thải công nghiệp có lưu lượng lớn từ Công ty TNHH mía đường cồn Long Mỹ Phát với loại hình sản xuất đường.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân ở khu vực này, thì Công ty TNHH mía đường cồn Long Mỹ Phát chính là “thủ phạm” gây ra sự cố ô nhiễm nghiêm trọng như nêu trên.

Bà Phạm Thị Thúy Linh, ngụ khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ cho biết, từ khi công ty mía đường hoạt động, nước sông thường xuyên bị đen. “Lúc trước, thi thoảng nước mới đen, nhưng thời gian gần đây nước càng đen, thối”, bà cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới