Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vừa ế nguyên lô cổ phần FPT, SCIC lại rao bán quyền kiểm soát ở Afiex

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vừa ế nguyên lô cổ phần FPT, SCIC lại rao bán quyền kiểm soát ở Afiex

Tâm An

(TBKTSG Online) – Sau ba ngày phải “mang về” nguyên lô hơn 46 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần FPT do không có nhà đầu tư đăng ký đấu giá, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục chào bán nguyên lô cổ phần tương đương 51% vốn điều lệ tại một doanh nghiệp khác có vốn Nhà nước dù thị trường vẫn chưa có tín hiệu lạc quan.

Vừa ế nguyên lô cổ phần  FPT, SCIC lại rao bán quyền kiểm soát ở Afiex
Afiex hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chế biến gạo và thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Afiex.

Doanh nghiệp mà SCIC chào bán vốn lần này là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex). SCIC thông báo sẽ bán đấu giá nguyên lô 17.850.000 cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ của Afiex.

Giá khởi điểm để đấu giá là 18.900 đồng/cổ phần và chỉ dành cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước.

Nhà đầu tư nước ngoài không được đấu giá do Afiex có ngành nghề chính là buôn bán gạo, lĩnh vực mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền tham gia theo quy định hiện hành.

Thời gian đấu giá dự kiến diễn ra vào 10-9, tức khoảng một tháng nữa so với thời điểm thông báo.

Như vậy, với việc chào bán nguyên lô cổ phần tương đương 51% vốn điều lệ với giá khởi điểm nêu trên, SCIC đang kỳ vọng thu về cho Nhà nước ít nhất 337 tỉ đồng và thực hiện chuyển giao quyền kiểm soát tại doanh nghiệp.

Vấn đề còn lại chỉ là mức độ hấp dẫn của lô cổ phần này với nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay.

Theo bản công bố thông tin do đơn vị tư vấn, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT, thực hiện Afiex đang tập trung hai mảng chính là kinh doanh chế biến lương thực và kinh doanh chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó, Afiex hiện đang xuất khẩu gạo trắng từ nguồn nguyên liệu lúa thu mua cho các thị trường châu Á, châu Phi, Trung Đông và cung cấp sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Đây đều là các ngành có triển vọng trong tương lai nhưng hiện tại đang có những áp lực cạnh tranh, nhất là ở mảng xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, theo công ty tư vấn, đợt chào bán cổ phần sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình thị trường chứng khoán tại thời điểm chính thức đấu giá, tâm lý của nhà đầu tư cũng như nhiều yếu tố khác… Do vậy, vẫn có rủi ro là không bán được số cổ phần chào bán.

Trong những tháng vừa qua, SCIC liên tục thông báo chào bán vốn tại các doanh nghiệp mà mình đang đại diện Nhà nước sở hữu. Tuy nhiên, khá nhiều đợt chào bán đã không thể thực hiện do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá. Mới nhất là đợt chào bán nguyên lô hơn 46 triệu cổ phần, tương đương hơn 5,8% vốn tại Công ty cổ phần FPT. 

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong năm nay, SCIC phải bán vốn tại 85 doanh nghiệp mà đơn vị này đang đại diện nằm vốn với tỷ lệ khác nhau. Trong số này có những cái tên rất đáng chú ý như Công ty cổ phần TRAPHACO, Công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong…

Tuy nhiên, đến 15 – 6, SCIC mới chỉ tổ chức triển khai bán vốn tại 13 doanh nghiệp trong đó bán hết vốn tại năm doanh nghiệp với tổng doanh thu là 707 tỉ đồng (đạt 49% kế hoạch).

Công tác bán vốn trong năm nay được SCIC đánh giá là có nhiều khó khăn khi thị trường chứng khoán và tài chính bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc diện bán vốn sụt giảm nghiêm trọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới