“Vua tôm” lý giải chuyện xuất khẩu tôm sụt giảm
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Xuất khẩu tôm cả nước 10 tháng đầu năm 2018 giảm gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có 2 tháng ghi nhận tăng trưởng dương, 1 tháng đạt tương đương và có đến 7 tháng sụt giảm liên tục so với cùng kỳ. Vì sao xuất khẩu loại thủy sản này sụt giảm như vậy?
Tôm được nuôi trong trang trại tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh |
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, nếu như 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm cả nước chỉ có một tháng duy nhất ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2016, thì trong năm 2018, có đến 7 tháng sụt giảm liên tiếp so với năm trước đó.
Cụ thể, trong tháng 1-2017, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt xấp xỉ 200 triệu đô la so với con số khoảng 220 triệu đô la của cùng kỳ năm trước đó; trong tháng 3-2017, xuất khẩu tôm đạt mức kim ngạch tương đương cùng kỳ năm trước là khoảng 235 triệu đô la. Còn những tháng còn lại (tháng 2 và từ tháng 4 đến tháng 10), kim ngạch xuất tôm ghi nhận đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, bước sang năm 2018, như đã nêu ở trên, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ có 2 tháng ghi nhận tăng trưởng dương (tháng 1 và 3), 1 tháng đạt tương đương (tháng 2) và có đến 7 tháng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017 (từ tháng 4 đến tháng 10).
Điều này, theo VASEP dẫn đến lũy kế xuất khẩu tôm 10 tháng đầu năm 2018 của cả nước đạt 2,97 tỉ đô la, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 10-2018, xuất khẩu đạt 348 triệu đô la, giảm 17,3% so với tháng 10-2017.
Lý giải nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sụt giảm, “vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Minh Phú ở sự kiện đối thoại bàn tròn ngành thủy sản được tổ chức hồi tuần rồi cho rằng, vào đầu năm 2018, các nước như Mỹ, Canada xảy ra bão tuyết khiến tiêu thụ tôm giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn, kéo theo lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cao.
Theo ông, Trung Quốc siết nhập khẩu tôm đường tiểu ngạch qua biên giới khiến tôm từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…, không vào được quốc gia này cũng dẫn đến lượng hàng tồn kho của các nước này tăng cao.
Mặt khác, ông Quang cho biết, nhu cầu mua tôm những tháng đầu năm thường thấp và khách hàng có tâm lý đợi giá tôm giảm mới mua vào. Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Việt Nam…, lại vào vụ thu hoạch, người nuôi tôm và các nhà máy chế biến đều muốn bán nên giá tôm trên thị trường giảm.
Trong khi đó, các thị trường mua lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU…, kiểm soát gắt gao về vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm, cho nên, để kiểm soát được vấn đề này, Minh Phú đã và đang phải đầu tư các phòng kiểm kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí đầu tư bình quân là 10 tỉ đồng/phòng và chi phí kiểm kháng sinh cao, khoảng khoảng 6.000 đồng/kg tôm, làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam so với các quốc gia khác, theo ông Quang.
Mời xem thêm: