Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Vua tôm” Minh Phú dự báo khó khăn trong xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Vua tôm” Minh Phú dự báo khó khăn trong xuất khẩu

Trung Chánh

“Vua tôm” Minh Phú dự báo khó khăn trong xuất khẩu
“Vua tôm” Minh Phú lo xuất khẩu tôm 2016 vẫn còn khó khăn, dù tình hình có khởi sắc hơn. Trong ảnh là nhân công chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Cho dù tình hình xuất khẩu tôm khả quan trong những tháng đầu năm, nhưng ông chủ Tập đoàn thủy sản Minh Phú – người được mệnh danh là “vua tôm” – cho rằng những khó khăn trong năm nay là rất lớn, từ chuyện cạnh tranh cho đến sản xuất trong nước.

Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố kết quả xuất khẩu tôm trong bốn tháng đầu năm 2016 tương đối khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, bốn tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm đạt 858,8 triệu đô la Mỹ, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Có được kết quả như trên, theo VASEP, giá tôm thế giới có xu hướng “nhích” lên do thị trường tiền tệ bớt biến động, tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính (Mỹ, EU) cũng tăng lên nhờ cung-cầu tại các thị trường này ổn định hơn cùng với lượng tồn kho đã giảm.

Mặt khác, theo VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá giảm trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) cũng là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng tình hình xuất khẩu tôm những tháng đầu năm nay tuy đã có sự cải thiện, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn.

Cụ thể, ở trong nước, biến đổi khí hậu gây xâm nhập mặn và hạn hán, cho nên từ đầu năm đến nay, tiến độ thả giống nuôi tôm của người dân mới đạt chỉ 20-30%. “Bây giờ phải đợi mưa xuống mới thả nuôi tiếp, nhưng dự báo sau El Nino là La Nina (gây bão lũ) nên sản lượng dự báo sẽ không tốt”, ông cho biết.

Ngoài ra, theo ông Quang, tình trạng thương lái Trung Quốc tranh mua nguyên liệu với doanh nghiệp trong nước cũng gây khó khăn cho xuất khẩu tôm của doanh nghiệp Việt Nam. “Họ (Trung Quốc) mua và đưa tôm qua biên giới, họ nói tôm nuôi tại Trung Quốc nên được hoàn thuế 13,5% khi xuất khẩu. Vì vậy, họ mua giá cao làm mình (doanh nghiệp Việt Nam) cạnh tranh không lại”, ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, giá tôm nguyên liệu hiện được thương lái Trung Quốc thu mua tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cao hơn mức giá do doanh nghiệp trong nước thu mua khoảng 10.000 đồng/kg.

Trước tình hình khó khăn về nguồn nguyên liệu, ông Quang thừa nhận đơn vị ông vẫn phải nhập khẩu tôm về dùng để chế biến xuất khẩu khi không mua đủ trong nước.

Trong khi đó, từ bên ngoài, giá tôm của Ấn Độ và Indonesia thấp hơn nên mức giá của doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh. “Cách đối phó của mình là làm hàng giá trị gia tăng mới có hiệu quả, nhưng cái khó của mình là làm hàng giá trị gia tăng thì cũng không thể làm hết 100% được”, ông cho biết.

Dù vậy, Minh Phú vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đến 687 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 30% so với con số hơn 526 triệu đô la Mỹ của năm trước đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới