Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vực dậy kinh tế bằng tài khóa: khe cửa hẹp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vực dậy kinh tế bằng tài khóa: khe cửa hẹp

Võ Đình Trí

(TBKTSG) – Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây cho thấy sự can thiệp của Chính phủ thông qua các chính sách tài khóa và tương tự tài khóa (quasi-fiscal) là cấp thiết, và nên theo hướng kháng lại chu kỳ kinh tế (counter-cyclical). Có điều, việc sử dụng các chính sách này cần như thế nào để có hiệu quả, tránh các phản ứng phụ nguy hiểm.

'Toa thuốc' 250 ngàn tỉ giải cứu doanh nghiệp mùa Covid

Đua nhau nới lỏng tiền tệ và nỗi lo lạm phát đình đốn

 

Vì sao chính sách tài khóa được chuộng?

Khi nền kinh tế bị một cú sốc và rơi vào tình trạng sa sút, khủng hoảng, sự can thiệp vĩ mô có thể thông qua chính sách tiền tệ (ngân hàng trung ương), chính sách tài khóa (chính phủ), hay thường là cả hai. Trong chính sách tài khóa, giữa sự lựa chọn chính sách theo hướng giảm chi/tăng thuế và tăng chi/giảm thuế thì chính sách sau thường được chuộng hơn.

Mục tiêu của tăng chi/giảm thuế là nhằm kích thích hoạt động sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, để từ đó vực dậy tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Chính sách tiền tệ tác động trước hết đến thị trường tài chính, sau đó qua các công cụ truyền dẫn sẽ tác động đến cả nền kinh tế nhưng độ trễ thường lớn. Trong khi đó, chính sách tài khóa sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn và độ trễ được rút ngắn lại.

Nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng (Spilimbergo et al., 2009; Kollmann et al., 2012; Romer, 2012; Izvorski, 2018) đã chỉ ra rằng các gói kích cầu tài khóa là cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn. Dù hiệu quả của các gói kích cầu về thời điểm (độ trễ), độ khuếch đại (fiscal multipliers) còn nhiều tranh luận nhưng có điểm chung là một chính sách kích cầu tài khóa sẽ hiệu quả khi: đúng thời điểm, đủ mạnh, và có trọng điểm.

Khe cửa hẹp trong kích cầu tài khóa

Ngày 4-3-2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có những chính sách cụ thể về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỉ đồng, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư. Đây là phản ứng rất nhanh và tích cực của Chính phủ, có điều thời điểm được tính không phải từ lúc có chỉ thị, mà là từ lúc doanh nghiệp, người dân trực tiếp nhận được gói hỗ trợ. Chính vì vậy, mối bận tâm là trong tháng 3 này, Bộ Tài chính có kịp đưa ra những chính sách cụ thể để sớm đến với doanh nghiệp, người dân.

Về liều lượng kích cầu, con số trước mắt được đưa ra thông qua các gói hỗ trợ là khoảng 0,5% GDP, dù vậy nó không hề nhỏ so với tình hình tài khóa hiện nay của Việt Nam – khi mà tỷ lệ nợ công trên GDP vẫn còn cao, và tình hình thâm hụt ngân sách vẫn còn tiếp diễn từ nhiều năm qua.

Chính sách kích cầu tài khóa sẽ dễ dàng hơn khi trước đó, tình hình thâm hụt ngân sách không là vấn đề đau đầu của Chính phủ. Với tình hình thâm hụt ngân sách triền miên của Việt Nam và tỷ lệ nợ công trên GDP gần chạm ngưỡng Quốc hội cho phép, dư địa của chính sách tài khóa chắc hẳn vì vậy không còn nhiều.

Mặt trái của kích cầu tài khóa khi thâm hụt ngân sách đang diễn ra là nó khiến cho tình trạng thâm hụt có thể nghiêm trọng hơn, trở thành mãn tính và khó lòng chịu được các cú sốc lớn khác trong tương lai.

Trọng điểm của chính sách kích cầu tài khóa là các nhóm được hưởng trực tiếp từ chính sách, gồm doanh nghiệp và người dân bị chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình kinh tế xấu đi. Nếu liều lượng kích cầu bị thất thoát (do tham nhũng hay không hiệu quả) hoặc đến không đúng đối tượng, thì hiệu quả của độ khuếch đại (multipliers) sẽ không được như kỳ vọng, từ đó chính sách sẽ thất bại.

Đây là nỗi băn khoăn không hề nhỏ khi mà đã có quá nhiều câu chuyện thất thoát trong chi tiêu, đầu tư công, tham nhũng chính sách, và mức độ hiệu quả trong việc thực thi chính sách ở Việt Nam.

Nhỏ mà có võ được không?

Mặc dù biết dư địa của kích cầu tài khóa là không có nhiều trong tình hình lúc này của Việt Nam, nhưng nếu diễn biến dịch Covid-19 tác động xấu hơn đến kinh tế thế giới và trong nước, thì không thể không tính đến việc sử dụng tối đa chính sách kích cầu tài khóa.

So với các nước có ngân hàng trung ương độc lập, thì Việt Nam lại có lợi thế lúc này vì có thể phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa theo ý của mình. Cũng theo Chỉ thị 11, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng có thể được hình thành bằng việc tác động đến Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng mà Nhà nước có quyền chi phối.

Quay trở lại ba vấn đề quan trọng của chính sách kích cầu tài khóa hiệu quả là thời điểm, liều lượng, và đến đúng chỗ cần thì vai trò của Bộ Tài chính là quan trọng nhất, vì vậy cần sớm đưa ra các chính sách cụ thể về việc tăng chi/giảm thuế liên quan đến hàng hóa dịch vụ trong nước.

Chẳng hạn, rà soát lại các khoản chi thường xuyên có thể chồng lấn sang chi đầu tư phát triển, tăng hiệu quả của các khoản chi ngoài lương và phụ cấp như mua sắm. Một vấn đề hiện nay trong báo cáo dự toán chi thường xuyên của ngân sách là không chỉ rõ chi bao nhiêu cho tiền lương, mà chia ra thành 10 khoản mục khác nhau.

Thêm vào đó, chi thường xuyên hiện nay của Trung ương chiếm đến gần 50% trong tổng số 1 triệu tỉ đồng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.

Chính sách tương tự tài khóa thông qua các doanh nghiệp nhà nước như trợ giá, giảm giá, giãn nợ, ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp trong nước cũng cần được sử dụng để bổ trợ các chính sách chính thống. Trong trường hợp xấu nhất, có thể sẽ cần đến một nghị quyết của Quốc hội cho phép tăng thâm hụt ngân sách ngắn hạn, tăng tỷ lệ nợ công thông qua vay trong nước.

Chính sách có thể dễ dàng được thông qua, nhưng để người dân và doanh nghiệp trong nước chịu cho vay thì mức độ tín nhiệm của Chính phủ phải nhanh chóng được cải thiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới