Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vùng khoai giữa vựa lúa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vùng khoai giữa vựa lúa

Nông dân thu hoạch khoai ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG) – Vựa lúa miền Tây mênh mông những cánh đồng. Nhưng những hạt phù sa ngậy hương đất mới theo dòng nước vun đắp, bồi bón hàng năm không chỉ cho cây lúa.

Ở huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), khoai lang mới là loại cây trồng hợp “khẩu” với nhiều nông dân. Hàng loạt container khoai lang cũng đã được xuất khẩu, đem về thu nhập ổn định cho người nông dân.

Buổi sáng! Mặt trời vừa lấp ló trên cánh đồng xã Thành Đông, nhưng bóng người đã đầy khắp.

Ở một mảnh ruộng ven đường, có hai nhóm thanh niên đang tất bật. Cứ gần mười người một nhóm, xúm xít chia nhau nắm chặt chiếc cào lớn. “Nào!!!” – cả nhóm căng tay kéo chiếc cào đang cắm sâu vào mặt ruộng.

Đất bật vỡ từng mảnh! Và cứ mỗi vạt đất bung lên sau tiếng reo hò của nhóm thanh niên, hàng chục củ khoai lang màu tím sẫm, pha trộn màu đất cũng “trào” lên theo…

“Trồng 3-4 tháng, mỗi công (1.000 mét vuông) khoai thu hoạch lần này không dưới 30 tạ (nông dân vùng này tính mỗi tạ = 60 ki lô gam) đâu nhe! Mà vậy còn chưa đã! Mấy ruộng neo lâu 5-6 tháng, năng suất đạt 60 tạ/công là chuyện thường”, vừa theo dõi việc dỡ khoai, lão nông Trần Văn Bảnh, 70 tuổi, vừa cho biết.

Gần cả đời gắn bó với 14 công đất ruộng ở xã Thành Đông, nhưng ông Bảnh cũng không biết chính xác cây khoai lang có mặt ở vùng này từ lúc nào. “Lâu, lâu lắm rồi! Người ta trồng khoai nhiều vô kể. Xứ này là vùng khoai mà”, ông nói.

Mà thiệt. Cả cánh đồng bao la, xanh mơn mởn nhưng chẳng phải là màu của cây lúa mà toàn khoai là khoai. Nhìn xa, cứ tưởng những ruộng ấu (một loại cây trồng dưới nước) xanh non đang nổi lên mặt đất.

“Cả huyện có tới 3.400 héc ta khoai lang, có xã như Thành Trung, Tân Thành… khoai chiếm tới 80% diện tích đất nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Trí, cán bộ tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, cho biết. Ông nói, năm nay là năm của… khoai lang, bởi giá cao ngất ngưởng, có lúc lên tới 430.000 đồng/tạ.

“Với giá cả như hiện tại, 5-6 công lúa mới bằng một công khoai!”, ông Phan Ngọc Sáng, cán bộ nông nghiệp xã Tân Thành, khẳng định. Ông tính rằng, dù giá khoai hiện nay chỉ còn khoảng 260.000 đồng/tạ, nhưng nông dân cũng bỏ túi được từ 3-5 triệu đồng/công/vụ!

Anh Nguyễn Văn Hiếu, ở xã Thành Đông kể thêm, cứ 15-25 ngày là anh cắt dây để bán giống cho người khác, cứ một muôn (1.000 dây) bán được 70.000-80.000 đồng, một khoản thu cộng dồn không nhỏ trong cả vụ. Chưa kể nhiều người chịu khó cắt đọt non mang bán ngoài chợ, mỗi ki lô gam cũng được vài ngàn đồng.

Năm nay, người trồng khoai vui ra mặt! Điều này thể hiện ngay trên những cánh đồng. Những chủ ruộng khoai cứ cười nói luôn tay, nhanh nhảu phân loại những đống khoai vừa thu hoạch xong. Cách đó không xa, ngay sát mé rạch, thương lái với cân, ghe… nhẫn nại ngồi chờ.

Với nhiều nông dân như ông Bảnh, khoai lang lên ngôi là “trái ngọt” của lòng “chung thủy”. Mười mấy năm nay, ai lao theo trồng lúa, trồng đậu… thì mặc, ông vẫn cứ trồng khoai. “Đất vùng này là đất “gan rùa”, nhiều sét nên trồng khoai thích hợp hơn lúa. Cũng giống khoai ấy, nhưng trồng ở đất vùng khác thì cho củ thua xa! Khoai vùng này có tiếng bởi vị ngọt đằm, thơm dẻo. Ai sao chẳng biết, chứ tui thì thấy đất mình hạp loại cây gì thì cứ trồng cây đó, chứ không theo phong trào”, ông Bảnh nói. Cây chẳng phụ người, mười mấy năm nay, cây khoai đã nuôi sống vợ chồng ông cùng sáu người con.

Nhiều nông dân cũng nghĩ như ông Bảnh, vẫn “chung thủy” với cây khoai, dù giá có năm trúng, năm thất. Có lúc, giá khoai chỉ 30.000-40.000 đồng/tạ, họ cũng chẳng nản. Thất vụ này gầy vụ mới! Cũng nhờ vậy cộng với tiếng thơm về chất lượng và có vùng trồng khoai tập trung của những nông dân trong vùng nên các doanh nghiệp xuất khẩu ở TPHCM đã tìm về. Khoai lang xuất khẩu ổn định, giá cũng tăng theo.

Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm Hợp tác xã Khoai lang Tân Thành – kiêm cả chủ vựa mua khoai, cho biết cứ vào vụ khoai rộ (tháng 4-5 Âm lịch) là mấy chiếc ghe chở khoai của ông chẳng có thời gian để nghỉ. “Lúc đó, mua 200-300 tấn/ngày là chuyện thường. Còn lúc này khoai ít, nhưng mỗi ngày tôi cũng mua được vài chục tấn”, ông nói. Mà ngoài ông, vùng này thương lái mua khoai còn có tới 40-50 người.

Ông Luận nói rằng, loại khoai trắng sữa và khoai tím được xuất rất nhiều sang Nhật, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan… Khoai được doanh nghiệp vận chuyển về TPHCM, rửa sạch, sấy khô, gói giấy bao lại từng củ… trước khi dán “tem” để đóng thùng xuất khẩu.

Chuyện khoai lang xuất khẩu cũng không phải là điều mới mẻ. Từ lâu, ông Đỗ Quý Hạo, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), đã trồng cả trăm héc ta khoai lang, rồi xuất khẩu nhiều container sang các nước. Ông Hạo còn thiết kế một trang web để giới thiệu và… bán khoai lang cho các công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chính ông Hạo khi đến thăm vùng khoai lang Bình Tân cũng phải trầm trồ thán phục về chất lượng khoai cũng như cách sản xuất khá chuyên nghiệp.

“Nếu như những năm trước, nông dân thu hoạch đồng loạt, thì nay họ đã biết cách neo khoai, thu hoạch rải vụ để tránh tình trạng bị ép giá khi lượng cung quá lớn”, ông Trí cho biết.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới