Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần sự “cộng sinh”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần sự “cộng sinh”

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Chuyện xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được đưa ra bàn thảo trong nhiều năm qua nhằm hướng đến những kế hoạch, mục tiêu dài hạn. Tham gia diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” được tổ chức ngày 27-9 tại TPHCM, các chuyên gia nhấn mạnh đến sự thay đổi về tư duy, làm sao để thoát khỏi tư duy cục bộ địa phương và tìm cách “cộng sinh” với nhau.

Nhiều năm vẫn vướng ở cơ chế

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh thành, địa phương theo quy hoạch) hiện là vùng kinh tế quan trọng của cả nước, chiếm 45,4% GDP và tổng thu ngân sách chiếm 42,6% tổng số thu của cả nước tính đến cuối năm 2018.

Đóng vai trò quan trọng là thế nhưng điều đáng lưu tâm hơn là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, dù Vùng kinh tế này vẫn giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng cho cả nước. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn còn những điểm nghẽn cản trở liên kết vùng và ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần sự “cộng sinh”
Các chuyên gia cho rằng thiếu tính phối hợp trong cơ chế phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo đại diện VCCI, các nguyên nhân được xác định là kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ, chất lượng phát triển đô thị còn thấp, nhiều khu vực còn ôn hiễm môi trường nghiệm trọng, chưa đảm bảo hết nhu cầu an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu đề ra.

Đặc biệt, cơ chế, chính sách phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa hoàn thiện và thiếu đột phá. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thé so sánh của vùng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết bản quy hoạch vùng ra đời năm 2014 với tầm nhìn 2020-2030. Năm 2015 đã thành lập hội đồng vùng nhưng cũng không thành công, dù vấn đề tại sao đã được chỉ rõ tại nhiều hội nghị khác nhau. “Ý kiến chung là liên kết phát triển nhưng trên thực tế không liên kết được, trong khi vai trò đầu tàu đang giảm”, ông Lịch đánh giá.

TS. Trần Du Lịch cho rằng nếu có chính sách tốt thì không lo gì phát triển hạ tầng. Nguồn: enternews.vn

Địa phương cần “cộng sinh”

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế vùng là cơ chế. Dù vậy, các chuyên gia đánh giá cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng.

Nhìn chung, hầu hết các chuyên gia cho rằng cần phải thay đổi tư duy mới có thể phát triển kinh tế vùng thành công.

Chẳng hạn, theo TS. VŨ Thành tự anh, cần thiết kế lại hệ thống điều phối sao cho hệ thống địa phương có tính nối kết, tức địa phương phải cần cộng sinh. Còn TS. Lịch bình luận: “Triển khai luật quy hoạch cần phải xem xét cả toàn vùng, không phải xuất phát từ tư tưởng kinh tế tỉnh, mà phỉa nhìn từ kinh tế vùng. Những giải pháp liên quan đến vùng phải được thể hiện trên quy hoạch”.

Vấn đề “cộng sinh” còn được nhìn nhận từ phía doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động hơn, bởi đây chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách, cơ chế và quy hoạch vùng. Dù vậy, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh thậm chí vẫn còn yếu, chứ chưa bàn đến liên tỉnh. Theo ông Lộc, trong thời gian tới VCCI sẽ thúc đẩy thành lập hội đồng doanh nghiệp vùng, khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp.

Một mối quan hệ “cộng sinh” khác là giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Bài học của Bình Dương cho thấy địa phương này thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua, không chỉ vì địa lý gần TPHCM và Đồng Nai, mà còn nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, vận dụng tốt các chính sách của Trung ương, triển khai chính sách nhanh chóng, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết, góp ý nhanh các vấn đề vướng mắc. Các doanh nghiệp sau này sẽ tiếp tục giới thiệu bạn bè hoặc đối tác đầu từ vào Bình Dương.

Thực tế cho đến nay, bài toán quy hoạch theo vùng vẫn còn rất nhiều điểm đã bàn nhưng chưa thể sửa đổi trong một sớm một chiều, từ kết nối hạ tầng liên tỉnh, vấn đề logistic, cho đến đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, phân bố không gian từng loại ngành, nghề ở từng tỉnh trong vùng kinh tế.

Trong đó  điểm nghẽn lớn là khả năng triển khai đầu tư lĩnh vực hạ tầng, đòi hỏi vốn lớn và thời gian đầu tư dài, thường do doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm và thực hiện theo mô hình đối tác công – tư. Theo TS. Trần Du Lịch, chuyện đầu tư hạ tầng phải minh bạch, dứt khoát và có luật lệ rõ ràng. “Hạ tầng không là gì nếu có chính sách tốt”, vị chuyên gia kinh tế này khẳng định.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, năng lực về dịch vụ hậu cần (logistics) của doanh nghiệp Việt đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, cụ thể lĩnh vực khai thác cảng chiếm thị phần trên 80%, cung cấp dịch vụ kho bãi cũng tỉ lệ như vậy. Tuy nhiên, vùng kinh tế trọng điểm này vẫn chưa có trung tâm logistic nào đủ lớn để dẫn dắt ngành. Ông Hiệp đề xuất vùng phải có chính sách dành quỹ đất cho trung tâm logistic, đặc biệt là những tỉnh có quy mô xuất khẩu cao.

Thực tế những bài toán này đặt ra từ nhiều năm nay những vẫn chưa giải quyết được. Theo TS. Trần Du Lịch, giải quyết câu chuyện chung về chính sách là giải pháp tốt nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thống kê cho thấy có ít nhất khoảng 2/3 số doanh nghiệp Việt đang hoạt động nằm trong khu vực này. Vì vậy nếu giải quyết tốt thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tiếp tục là nơi đến của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” được triển khai với sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; UBND các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư – Trung tâm xúc tiến Thương mại các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới