Vũng Tàu sẽ thành đô thị loại 1
Đá Bàn
(TBKTSG Online) - Đề nghị công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại 1 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được Hội đồng thẩm định (Bộ Xây dựng) chấp thuận, theo ông Phan Hòa Bình, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu.
Ngày 30-3-2013, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội đồng thẩm định đề án công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại 1. Sau khi xem xét, đối chiếu với các quy định hiện hành (Nghị định 42 và Thông tư 34) về tiêu chuẩn và chỉ tiêu của đô thị loại 1, các thành viên hội đồng đã nhất trí công nhận Vũng Tàu là đô thị loại 1 với điểm số trung bình 89,86 (theo quy định 70 điểm trở lên là đạt).
Đánh giá của Hội đồng thẩm định cho thấy đô thị Vũng Tàu hiện tại có 39/49 chỉ tiêu đạt và vượt so với quy định; 9/49 chỉ tiêu đạt ở mức tối thiểu; chỉ có 1/49 chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể, các chỉ tiêu về mật độ dân số (10.161 người/cây số vuông), thu nhập bình quận đầu người (hơn 6.000 đô la Mỹ/người), tỷ lệ hộ nghèo (5,3%), diện tích sàn nhà ở nội thành (19,94 mét vuông sàn/người), nước sạch (150 lít/người/ngày đêm), y tế, giáo dục, cây xanh đô thị… đều đạt. Một chỉ tiêu mà Vũng Tàu chưa đạt đó là thành phố chưa có nhà tang lễ (Hiện đang triển khai dự án xây dựng nhà tang lễ với diện tích 19.907 mét vuông sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2014).
Với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, du lịch dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế… đồng thời là một trong năm cực phát triển của vùng TPHCM, Hội đồng thẩm định cho rằng việc nâng cấp Vũng Tàu lên đô thị loại 1 là việc cần thiết.
Tuy nhiên, để Vũng Tàu trở thành một đô thị bền vững, các thành viên hội đồng cũng đã đề xuất các giải pháp và phương hướng phát triển cho Vũng Tàu trong thời gian tới như tìm phương cách ứng phó với tình hình biến đổi hậu; từng bước phát triển về hạ tầng kỹ thuật, có công nghệ xử lý rác thải phù hợp, có hệ thống cấp thoát nước hoàn thiện; quan tâm tới công tác quản lý xây dựng; tập trung phát triển kinh tế biển…
Hiện tại, thành phố Vũng Tàu đã trở thành đô thị trung tâm tổng hợp cấp quốc gia về dầu khí, du lịch, cảng biển và là một trong những đô thị dẫn đầu cả nước về GDP.
Với việc Vũng Tàu trở thành đô thị loại 1 thì hiện Việt Nam có 10 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh (Vũng Tàu, Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì) và 3 đô thị loại 1 trực thuộc trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).
Các tiêu chuẩn phân loại đô thị Có sáu tiêu chuẩn, gồm: (1) Chức năng đô thị; (2) Quy mô dân số; (3) Mật độ dân số; (4) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; (5) Hệ thống công trình hạ tầng đô thị gồm hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; (6) Kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đối với các đô thị ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn, nhưng tối thiểu phải đạt 50% tiêu chuẩn quy định, các tiêu chuẩn khác phải bảo đảm tối thiểu 70% mức tiêu chuẩn quy định so với các loại đô thị tương đương. Các đô thị được xác định là đô thị đặc thù thì tiêu chuẩn về quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn, nhưng tối thiểu phải đạt 60% tiêu chuẩn quy định, các tiêu chuẩn khác phải đạt quy định so với các loại đô thị tương đương và bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của mỗi đô thị. Điểm của mỗi tiêu chuẩn: (1) tối đa là 15 điểm, (2) 10 điểm; (3) 5 điểm; (4) 5 điểm; (5) 55 điểm và (6) 10 điểm. Tổng số điểm của sáu tiêu chuẩn phải đạt tối thiểu 70/100 điểm. |