Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vùng Vịnh liệu có là vịnh tránh bão năng lượng cho châu Âu?

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, các nước châu Âu đang hướng nhiều hơn tới các quốc gia Vùng Vịnh. Khu vực này liệu có trở thành “vịnh tránh bão”, giúp châu Âu vượt qua cơn bão năng lượng một cách an toàn?

Châu Âu thúc đẩy các thỏa thuận nhập khẩu LNG

Các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU), dẫn đầu là Đức, đang đẩy nhanh các nỗ lực đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia Vùng Vịnh, với hy vọng sớm thay thế nguồn cung khí đốt bị mất từ Nga. Hàng loạt thỏa thuận cụ thể đã và đang được triển khai, nhằm cụ thể hóa hai sáng kiến lớn được Chính phủ Đức đưa ra sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng Nga.

Sáng kiến đầu tiên là tập trung tăng cường các cơ chế phân phối khí đốt vào châu Âu, với việc Đức tuyên bố ý định hợp tác năng lượng với Qatar – nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, từ hồi tháng 5 nhằm tăng cường cung cấp LNG vào Đức thông qua các tuyến nhập khẩu hiện tại. Các tuyến nhập khẩu này sẽ được tăng cường bởi những hệ thống cơ sở hạ tầng mới, bao gồm bốn cơ sở nhập khẩu LNG nổi trên bờ biển phía Bắc và hai trạm thường trực trên bờ đang được phát triển.

Theo Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, nước này đang đàm phán với một số doanh nghiệp Đức về các hợp đồng cung cấp LNG mới.

Ngoài Qatar, châu Âu cũng hướng tới những nhà cung cấp tiềm năng khác tại Vùng Vịnh. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck tới Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), hai bên đã ký kết thỏa thuận về an ninh năng lượng và công nghiệp. Trong đó, Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) sẽ cung cấp cho Công ty RWE của Đức một lô hàng LNG vào cuối năm nay và thêm nhiều lô hàng khác vào năm tới. Một nền kinh tế lớn khác là Pháp cũng đã ký kết thành công thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực năng lượng với UAE, nhằm tập trung vào việc đảm bảo cung cấp năng lượng cho Pháp trong tương lai.

Với Ảrập Saudi – từ chỗ lạnh nhạt sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018, châu Âu giờ đây đã trở nên thân thiện hơn. Trong chuyến công du mới đây tới các nước Vùng Vịnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực năng lượng với Arab Saudi. Các nguồn tin Chính phủ Đức cho biết. Trước đó, hôm 28-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chào đón Thái tử Ảrập Saudi Mohammed bin Salman tại Điện Elysee trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới một nước thành viên EU. Nguồn cung năng lượng và vấn đề hạt nhân Iran là những chủ đề được hai bên trao đổi trong cuộc thảo luận.

“Sẽ có ít sự chú ý tới vấn đề nhân quyền hơn trong quan hệ giữa châu Âu và các quốc gia xuất khẩu năng lượng tại Vùng Vịnh”, ông Eckhart Woertz, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông GIGA đánh giá “cuộc xung đột Ukraine đã làm thay đổi thứ tự của những ưu tiên này”.

Nỗ lực hợp tác để tăng cường sản lượng LNG

Sáng kiến thứ hai là tăng cường sản xuất khí đốt ở Qatar để cung cấp cho châu Âu, cũng đã được cụ thể hóa bằng lễ ký kết các thỏa thuận đối tác riêng biệt giữa Qatar với tập đoàn TotalEnergies của Pháp và sau đó là hãng năng lượng Eni của Ý để mở rộng mỏ North Field. Với trị giá 30 tỉ đô la Mỹ, đây được coi là dự án LNG lớn nhất thế giới.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi, hãng TotalEnergies của Pháp sẽ nắm giữ 25% cổ phần của dự án và trở thành cổ đông lớn nhất. Các điều khoản tương tự cho thỏa thuận hợp tác với Eni cũng đã được công bố. Nhìn chung, dự án khổng lồ này được kỳ vọng sẽ nâng công suất khí hóa lỏng của Qatar từ 77 triệu tấn/năm lên 110 triệu tấn vào năm 2025 và 126 triệu tấn vào năm 2027.

Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang được thúc đẩy trong những tuần qua. Eni cho biết, Giám đốc điều hành của hãng – ông Claudio Descalzi, đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp bên phía ADNOC Sultan al-Jaber về việc đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án Offshore Block 2 và dự án khí chua Ghasha – dự án phát triển khí chua ngoài khơi lớn nhất thế giới với hàng loạt mỏ quan trọng.

“Nước xa chưa thể cứu được lửa gần”

Tuy nhiên, các thỏa thuận tại Vùng Vịnh, được cho là khó có thể hỗ trợ châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong ngắn hạn. Các thỏa thuận về hợp tác sản xuất sẽ phải mất nhiều thời gian để triển khai, ví dụ như thỏa thuận giữa TotalEnergies và Qatar sẽ chỉ có tác động đáng kể đến sản lượng LNG trong giai đoạn từ năm 2025-2027. Trong khi đó, châu Âu lại đặt mục tiêu thay thế toàn bộ khí đốt và dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào giữa năm 2024.

Các thỏa thuận về xuất khẩu khí LNG có thể tạo ra những tác động tích cực trong thời gian ngắn hơn, nhưng mức độ hiệu quả cho đến nay vẫn còn khá hạn chế. Thỏa thuận với UAE chỉ mang lại cho Đức duy nhất một lô hàng 137.000 mét khối LNG trong những tháng cuối năm nay, một con số không mang quá nhiều ý nghĩa so với những gì mất đi từ Nga. Những lô hàng khác, phải tới năm 2023 mới được giao.

Việc đạt được các thỏa thuận với những quốc gia khác như Qatar hay Ảrập Saudi đang gặp nhiều trở ngại vì những lý do khác nhau. Với Ảrập Saudi, chuyến thăm của Thủ tướng Đức đã không mang lại những kết quả rõ ràng do còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực năng lượng.

Còn với Qatar, khúc mắc chủ yếu nằm ở vấn đề giá cả và thời hạn giao dịch. Vấn đề phức tạp đối với Đức và cả khối EU, là người bán đang chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường, ít nhất là cho tới khi các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga được dỡ bỏ. Với vị thế thương lượng rất thuận lợi này, Qatar được cho là đang tìm cách chốt giá rất cao đối với khí LNG, và muốn đảm bảo mức giá này sẽ được duy trì trong các giao dịch có thời hạn kéo dài ít nhất 20 năm.

Bên cạnh đó, cũng cần tính đến những khó khăn của các quốc gia châu Âu như Đức trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tiếp nhận LNG từ Trung Đông. Hồi đầu năm nay, Đức là quốc gia lớn duy nhất của EU không có cơ sở lưu trữ để tiếp nhận và tái cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Kể từ đó tới nay, tình hình đã được cải thiện phần nào, với 6 dự án ở Wilhelmshaven, Brunsbüttel, Stade, và Lumbin. Trong đó, kho lưu trữ LNG di động đầu tiên (FSRU) ở Wilhelmshaven dự kiến sẽ hoạt động vào ngày 20-12-2022.

Hạn chế nguồn cung từ Vùng Vịnh

Tuy nhiên, ngay cả khi các khúc mắc kể trên được giải quyết, không có vẻ gì là Qatar hay Ảrập Saudi có thể thay thế Nga một cách hoàn hảo trong vai trò nguồn cung khí đốt chính cho châu Âu.

Với Ảrập Saudi, triển vọng là không quá lạc quan. Quốc gia này có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 8 thế giới, và là nhà sản xuất lớn thứ 9. Tuy nhiên, theo ông Eckhart Woertz, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông GIGA, “phần lớn sản lượng khí đốt mà Ảrập Saudi sản xuất ra được sử dụng để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa của nền kinh tế nội địa”.

Qatar – quốc gia đứng thứ 4 trong số các nhà cung cấp khí đốt hiện đã có những bước chuẩn bị để chiếm lĩnh thị phần của Nga. Theo thẩm định của giới chuyên gia trong ngành, quốc gia Trung Đông này cùng với Mỹ hiện đang nắm giữ tới 50% tiềm năng cung cấp LNG cho thế giới.

Để có thể chiếm lĩnh thị trường LNG thế giới, từ nhiều năm qua, Qatar đã đẩy mạnh đầu tư với mục đích nâng khả năng cung cấp. Dự kiến, trong giai đoạn từ 2025-2027, Qatar có thể cung cấp cho thế giới từ 110-126 triệu tấn LNG/năm thay vì mức 77 triệu tấn LNG như hiện tại. Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida Al-Kaabi cũng đã khẳng định rằng một khi các cơ sở mới bắt đầu hoạt động, Qatar sẽ dành từ 40-50% sản lượng để cung cấp cho châu Âu.

Nguồn: OilPrice.com, DW, Financial Times, Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới