Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vươn lên từ đại dịch, Việt Nam cần tự định vị để hồi phục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vươn lên từ đại dịch, Việt Nam cần tự định vị để hồi phục

Nhóm tác giả (*)

(TBKTSG Online) – "Nếu tiếp tục kiểm soát tốt COVID-19 và thực hiện các dịch chuyển cơ cấu phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới thì rất có thể Việt Nam không chỉ lấy lại được vị trí trước COVID-19 mà còn tạo ra mức tăng trưởng mới về kinh tế"

TBKTSG Online xin giới thiệu góc nhìn của McKinsey & Company về những tác động tức thời của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và những thách thức lâu dài mà quốc gia có thể cần giải quyết để phát huy tiềm năng một khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Vươn lên từ đại dịch, Việt Nam cần tự định vị để hồi phục

Dệt may xuất khẩu là ngành chịu ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19. Ảnh: Thành Hoa

Đã hai tháng trôi qua kể từ trường hợp lây nhiễm cộng đồng cuối cùng được ghi nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên vượt qua cuộc khủng hoảng y tế  do COVID-19 gây ra, cho phép nền kinh tế trong nước mở cửa lại hoàn toàn.

Chính phủ Việt Nam một mặt vẫn rất thận trong đề phòng nguy cơ bệnh dịch quay trở lại, mặt khác đang chuyển sự chú ý sang khôi phục nền kinh tế đã chịu thiệt hại bởi đại dịch.

Về mặt kinh tế, tình hình của Việt Nam tốt hơn so với nhiều quốc gia, song vẫn không hoàn toàn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Covid-19. Tăng trưởng GDP trong quý 1 ở mức thấp nhất kể từ năm 2010, mặc dù vẫn nằm trong vùng tích cực với mức tăng 3,8%. Với việc xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu dùng trong nước đã đang (và dự kiến sẽ tiếp tục) đóng một vai trò rất quan trọng để giữ nền kinh tế trụ vững.

Kinh tế vẫn khả quan trong năm 2020 

Kinh tế vẫn khả quan nhờ tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng và thu nhập khả dụng tăng cao, tiêu dùng trong nước từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng GDP lên tới 68%. Mặc dù chịu áp lực từ nhu cầu giảm – hai phần ba số người Việt Nam được khảo sát vào tháng 4 cho biết thu nhập của họ đã bị gián đoạn do vi-rút và 55% đã cắt giảm chi tiêu – song “cỗ máy” vẫn còn trong tầm kiểm soát.

 

 

 

 

 

 

 

 

"Việt Nam phong tỏa các hoạt động không thiết yếu chỉ trong 22 ngày, ngắn hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, và điều đó đã giảm bớt một số áp lực đối với tiêu dùng" – Bruce Delteil, GĐ Hợp danh McKinsey & Company tại Hà Nội.

Việt Nam phong tỏa các hoạt động không thiết yếu chỉ trong 22 ngày, ngắn hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, và điều đó đã giảm bớt một số áp lực đối với tiêu dùng. Gói kích cầu trị giá 27 nghìn tỷ đồng dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ được đưa ra vào tháng 3 cũng đã hỗ trợ kích thích tiêu dùng.

Tuy còn phải chờ xem tiêu dùng trong nước có thể duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế trong bao lâu trong trường hợp các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế không tăng trưởng trở lại, nhưng những phân tích sâu hơn về đặc điểm chi tiêu của Việt Nam cho chúng ta một số cơ sở để vững tin. Tỷ trọng chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu là đáng kể, chiếm 42% GDP quốc gia, so với mức chỉ 26% chi tiêu cho mặt hàng không thiết yếu. Do cắt giảm chi tiêu chủ yếu diễn ra ở nhóm các mặt hàng không thiết yếu, phần lớn nền kinh tế trong nước được bảo vệ tương đối tốt.


Quỹ đạo tăng trưởng trở lại của Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tiêu dùng trong nước thì chưa đủ để có thể đưa kinh tế Việt Nam trở về gần với quỹ đạo tăng trưởng trước COVID-19. Do đó, trong ngắn hạn, triển vọng nền kinh tế Việt Nam vẫn gắn với khả năng khởi động lại của nền kinh tế toàn cầu và sự phục hồi tiêu dùng của phần còn lại trên thế giới.

Theo dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế, điều này sẽ xảy ra vào cuối năm nay và tăng tốc vào năm sau. Cụ thể là, vào cuối quý một vừa rồi, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đồng loạt dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt từ 6,8% đến 7%.

Những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được con số dự báo trên là nhờ sự phục hồi của lượng du khách quốc tế và việc xuất khẩu các loại hàng hóa sử dụng nhiều lao động. Do tính chất khó lường của COVID-19, rất khó xác định ngành du lịch quốc tế sẽ phục hồi như thế nào, nhưng có khả năng những du khách đầu tiên sẽ là từ khu vực ASEAN khi biên giới mở cửa trở lại. Tình trạng vi-rút được kiểm soát tốt, hầu như không còn tại Việt Nam, sẽ giúp thu hút lượng du khách lớn hơn rất nhiều trong khi vẫn áp dụng các biện pháp phòng ngừa thận trọng để ngăn chặn vi-rút quay lại.

Ngay cả sự phục hồi mạnh mẽ lượng khách nội khối ASEAN cũng sẽ không thể ngăn số lượng du khách quốc tế cả năm giảm từ 50% đến 70%, gây tác động lớn đến ngành du lịch, một ngành kinh tế đã chứng kiến hàng ngàn công ty đóng cửa trong thời gian vừa qua, dẫn tới nhiều lo ngại về việc cắt giảm việc làm. Tuy nhiên, ngoại trừ các hoạt động quảng bá, Việt Nam hầu như không thể làm gì hơn cho đến khi ngành vận tải quốc tế hoạt động trở lại. Trong khi một số quốc gia có thể thúc đẩy du lịch nội địa để bù đắp phần thu nhập bị giảm, thì Việt Nam, với mức GDP bình quân đầu người chỉ gấp ba lần mức chi 900 đô la Mỹ của một du khách nước ngoài cho mỗi chuyến đi, rất khó có thể thu hẹp khoảng cách nếu chỉ dựa vào sức chi tiêu hiện tại trong nước.

Triển vọng tích cực năm 2021 cho các nhà sản xuất khi nhu cầu trở lại

Đối với ngành sản xuất của Việt Nam, một ngành kinh tế quan trọng khác trong nỗ lực trở lại mức tăng trưởng trước COVID, các công ty sản xuất chịu ảnh hưởng của vi-rút theo hai cách: thứ nhất là sự gián đoạn nguồn cung khi Trung Quốc ngừng hoạt động, và thứ hai là nhu cầu giảm khi các thị trường xuất khẩu chính bị đình trệ. Xuất khẩu giảm và triển vọng phục hồi trước mắt dường như bất định, các doanh nghiệp đã bắt đầu bỏ lại các khoản đầu tư dự kiến lại phía sau, kéo theo việc giảm 21% của các khoản cam kết FDI trong ba tháng đầu năm.

 

 

 

 

 

 

 

 

"Việt Nam biết rõ tầm quan trọng của ngành sản xuất đối với nền kinh tế nên đã thực hiện các bước đi quan trọng để duy trì hoạt động trong cả thời gian bị phong tỏa". – Matthieu Francois, Phó GĐ Hợp danh McKinsey & Company tại TP HCM

Tuy nhiên, bức tranh sản xuất vẫn có một số điểm sáng quan trọng. Việt Nam biết rõ tầm quan trọng của ngành sản xuất đối với nền kinh tế nói chung nên đã thực hiện các bước đi quan trọng để duy trì hoạt động trong cả thời gian bị phong tỏa.

Đơn cử, đầu năm nay, Việt Nam vẫn cho phép kỹ sư của ít nhất hai công ty sản xuất điện tử quốc tế lớn nhập cảnh để đảm bảo các nhà máy của họ tiếp tục hoạt động hết công suất, góp phần làm tăng xuất khẩu hàng điện tử trong giai đoạn khủng hoảng. Điều này có thể gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà sản xuất khác trong một lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược.

Chính phủ cũng đã làm việc với các công ty dược phẩm để sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và tạo điều kiện tiếp cận các thị trường trên toàn cầu, dẫn đến mức gia tăng lớn trong xuất khẩu của ngành này.

Khi nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu tính toán lại chiến lược chuỗi cung ứng để ứng phó với các vấn đề phát sinh trong đại dịch, Việt Nam vẫn giữ được vị thế mạnh mẽ. Việt Nam từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn – thị phần về xuất khẩu các loại hàng hóa sử dụng nhiều lao động của Việt Nam trong số các thị trường mới nổi tăng 2,2 điểm phần trăm (percentage point) trong giai đoạn 2014-2017. Thị phần này có thể tăng hơn nữa, đặc biệt khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sau đại dịch.

Một cuộc khảo sát các nhà quản lý cung ứng trong lĩnh vực thời trang mà McKinsey công bố vào tháng trước đã ủng hộ quan điểm này, với 24% số người được hỏi cho biết họ hy vọng sẽ gia tăng sản xuất tại Việt Nam – nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Á.

Mặc dù năm nay có thể khó khăn, Việt Nam vẫn có quyền hy vọng thấy lại sức tăng trưởng mạnh mẽ của những năm gần đây, và củng cố vị thế là điểm đến của các quốc gia khác khi nền kinh tế toàn cầu cũng bắt đầu phục hồi. Việc khai thác vị thế này để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều khoản đầu tư dài hạn — từ Công nghiệp 4.0 đến phát triển cơ sở hạ tầng.

Nếu tiếp tục kiểm soát tốt COVID-19 và thực hiện các dịch chuyển cơ cấu phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới thì rất có thể Việt Nam không chỉ lấy lại được vị trí trước COVID-19 mà còn tạo ra mức tăng trưởng mới về kinh tế.

 

(*) Các tác giả đến từ Công ty Tư vấn McKinsey & Company.

Bruce Delteil là Giám đốc Hợp danh và Nga Nguyễn là Chuyên gia Tư vấn Khách hàng tại Hà Nội,

Matthieu Francois là Phó Giám đốc Hợp danh tại TP HCM.

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới