Vườn ươm KVIP: 2 năm, 5 doanh nghiệp
Trung Chánh
Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc sau hai năm hoạt động chỉ thu hút được năm đơn vị vào ươm tạo. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Sau hai năm đi vào hoạt động, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (Korea Vietnam Incubator Park - KVIP) ở Cần Thơ thu hút được năm doanh nghiệp vào ươm tạo. Trong số này, mới có một doanh nghiệp duy nhất được “tốt nghiệp”.
Tại buổi lễ kỷ niệm hai năm ngày thành lập KVIP tại thành phố Cần Thơ hôm 14-11, ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc vườn ươm, cho biết năm doanh nghiệp được ươm tạo tại đây hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản và chế biến thủy sản. Cụ thể, Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Nhật Việt với sản phẩm bột cá; Công ty TNHH Hoàng Thắng với sản phẩm máy gieo hạt; Công ty TNHH Phạm Nghĩa T&N với sản phẩm chả cá thác lát nhân trứng muối; Công ty cổ phần sữa gạo Calevy với sản phẩm sữa gạo và Công ty TNHH nuôi yến huyết Việt Nam với sản phẩm bột yến sâm thảo dược. Hiện tại, mới chỉ có Phạm Nghĩa T&N hội đủ điều kiện “tốt nghiệp”.
Như vậy, những số liệu nêu trên còn quá thấp so với năng lực tiếp nhận và ươm tạo doanh nghiệp trong thực tế tại KVIP là 40. Ông Quốc cho biết, vườn ươm đã phối hợp cùng các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc lựa chọn các trang thiết bị phục vụ công tác ươm tạo với tổng kinh phí trên 2 triệu đô la Mỹ, tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực chính là cơ khí, chế biến nông sản và chế biến thủy sản.
Trước đó, vào năm 2015, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về việc khánh thành KVIP, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ kỳ vọng vườn ươm này sẽ góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. “Vườn ươm này ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển từ sản xuất thô sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn gấp 5-10 lần hiện nay”, ông Toại cho biết tại buổi họp báo.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị KVIP cần tập trung hoàn thành 3 mục tiêu. Thứ nhất, góp phần đáng kể vào việc ươm tạo ra nhiều doanh nghiệp sáng tạo cho thành phố và vùng ĐBSCL. “Kế hoạch của UBND thành phố, thì từ đây đến năm 2020, phấn đấu đưa số lượng doanh nghiệp tăng gấp đôi hiện nay, tức mỗi năm phải có thêm 1.200-1.300 doanh nghiệp thành lập mới”, ông Thống nói. Thứ hai, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới mang tính sáng tạo cho địa phương. Thứ ba, thông qua vườn ươm, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho địa phương. Những nhà đầu tư, người có ý tưởng sáng tạo trong và ngoài nước có điều kiện đến đây ươm tạo, làm việc, khởi nghiệp và đầu tư.
Dự án KVIP có tổng vốn đầu tư 21,13 triệu đô la Mỹ, trong đó, Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu đô la, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Mời xem thêm: