Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vướng mặt bằng, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có thể “trễ hẹn”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vướng mặt bằng, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có thể “trễ hẹn”?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trong khi bài toán vốn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được giải quyết, thì công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều điểm vướng. Điều này có nguy cơ khiến tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2020 sẽ “trễ hẹn” nếu không sớm được giải quyết.

Vướng mặt bằng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể “trễ hẹn”?
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đoạn qua huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang được thi công. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo tại buổi làm việc của Bộ Giao thông Vận tải với UBND tỉnh Tiền Giang diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 3-7, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông Tiền Giang thuộc UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 96%, tương đương đã bàn giao đạt 49,19 trên 51,1 Km.

Ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, trên cơ sở báo cáo, thì dự án đã giải phóng được 96%. “Tuy nhiên, nhiều vị trí vẫn xảy ra tình trạng "da beo", trong khi dự án đi qua địa bàn có địa chất rất phức tạp nên phải xử lý nền đất yếu, cho nên, dù giải phóng được 96% nhưng nhiều điểm vẫn còn vướng”, ông cho biết và nói rằng nếu không được giải quyết sớm, thì khả năng dự án sẽ khó hoàn thành như tiến độ yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải là vào cuối năm 2020.

Theo ông Dũng, đối với việc di dời công trình hạ tầng, nếu phải đấu thầu để di dời, thì thời gian hoàn thành là 3 tháng, tức đến tháng 9-2018, trong khi yêu cầu giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trong tháng 7-2018. “Như vậy, chắc chắn để tiến độ đến cuối năm 2020 phải hoàn thành dự án sẽ rất căng”, ông cho biết và giải thích do công trình phải xử lý đất yếu nên phải gia tải, trong khi trong khoảng thời gian gia tải thì không thể làm việc gì khác để đẩy nhanh tiến độ được.

Vì vậy, theo đề nghị của ông Dũng, Ban quản lý dự án giao thông Tiền Giang nên nghiên cứu vận dụng luật một cách hợp lý, đó là chỉ định thầu.

“Theo tôi, cần có văn bản gửi cho đơn vị nhà nước có thẩm quyền là Tổng công ty Cửu Long đề xuất việc này”, ông cho biết và đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang có chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận giải quyết sớm. “Còn nếu không, hôm nay cũng có lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tôi cũng báo cáo luôn là nếu việc này không giải quyết, thì dự án (cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) sẽ chậm lại”, ông cho biết.

Cụ thể, theo ông Dũng, có 3 vị trí trụ điện cao thế cần di dời, gồm hai trụ tại nút giao IC7 và một tại vị trí Km 0+281 của đường nối giữa IC2 và IC5; còn điện trung, hạ thế, đến nay đã di dời được 19 trên 76 địa điểm, chủ yếu tại các vị trí qua 7 gói thầu ưu tiên triển khai trước của dự án. “Các vị trí còn lại, lập hồ sơ thiết kế di dời và Ban quản lý dự án giao thông Tiền Giang đang tổ chức lựa chọn nhà thầu. Nhưng, tôi đề nghị tỉnh có chỉ đạo thực hiện phương pháp chỉ định thầu để rút ngắn thời gian”, ông cho biết.

Đối với các công trình khác cần di dời để bàn giao mặt bằng thi công dự án, theo ông Dũng, để dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành đúng tiến độ là vào cuối năm 2020, thì toàn bộ mặt bằng phải được bàn giao trước ngày 31-7-2018.

Tuy nhiên, nhiều khả năng ở một số điểm, tiến độ này sẽ không kịp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, đoạn qua địa bàn huyện Cái Bè, dù lãnh đạo địa phương cam kết cố gắng hết sức để hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 7-2018 như yêu cầu của chủ đầu tư.

Thế nhưng, theo vị đại diện địa phương này, đối với đoạn 500 mét quốc lộ 30 tiếp giáp quốc lộ 1, tình hình rất phức tạp do bị lấn chiếm nhiều năm, cho nên, địa phương xin đến tháng 9-2018 mới bàn giao mặt bằng.

Liên quan đến dự án nêu trên, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, điểm đáng mừng của dự án là nhà đầu tư đã ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng hôm 15-6 vừa. “Như vậy, cơ bản đã xong hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án này, đó là việc lớn”, ông cho biết và nói rằng việc quan trọng cần đẩy nhanh lúc này là giải phóng mặt bằng.

Theo ông, với khối lượng đã giải phóng mặt bằng đạt 49 trên 51 Km của dự án, thì phần còn lại không nhiều.Tuy nhiên, theo ông, cần phải đẩy mạnh hơn nữa và làm một cách liên tục để đảm thông suốt, chứ mỗi nơi một đoạn thì cũng rất khó khăn. “Vì vậy, tôi đề nghị địa phương và các huyện cần làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn”, ông nhấn mạnh.

Mời xem thêm:

Điều chỉnh dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới