Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vương quốc dầu mỏ khi giá dầu tuột dốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vương quốc dầu mỏ khi giá dầu tuột dốc

Chánh Tài

Vương quốc dầu mỏ khi giá dầu tuột dốc
Một mỏ dầu của tập đoàn Saudi Aramco ở Ả rập Saudi. Chính phủ Ai Cập đang dự tính bán một phần tài sản của tập đoàn này. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Khi giá dầu về quanh mốc 30 đô la Mỹ/thùng, tại vương quốc Ả rập Saudi – nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới – cuộc sống người dân bắt đầu bị ảnh hưởng và xã hội có những thay đổi theo chiều hướng cởi mở hơn, theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg ngày 15-1.

Thắt chặt chi tiêu

Tháng trước, chính phủ Ả rập Saudi đã thông báo tăng giá nhiên liệu và điện nước để đối phó với nguồn thu giảm mạnh khi giá dầu tuột dốc.

Gia đình anh Hathut (30 tuổi) ở thủ đô Riyadh cảm nhận được thời khắc khó khăn sắp đến nên ông Mohammad, cha anh Hathut, đang tìm công việc làm thêm còn ba đứa con nhỏ của anh được dặn phải tắt đèn khi không cần thiết để tiết kiệm tiền điện. Anh nói: “Tôi muốn các con phải có ý thức trách nhiệm hơn về việc chi tiêu vì một ngày nào đó, dầu sẽ cạn kiệt”. Anh Hathut đang đặt mục tiêu giảm hóa đơn tiền điện xuống gần một nửa còn 400 riyal (107 đô la Mỹ)/tháng.

Đây chính tình cảnh chung của nhiều hộ gia đình Ả rập Saudi trong năm 2016. Câu chuyện có vẻ tương tự như những gì người dân châu Âu và Mỹ đã từng trải qua khi chính phủ của họ thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng để ứng phó khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, tại Ả-rập Saudi, nơi người dân quen mua sắm những vật dụng đắt tiền để thể hiện đẳng cấp, thắt chặt chi tiêu trở thành mối lo.

Chi tiêu tiết kiệm là điều chưa từng thấy trong suốt kỷ nguyên thịnh vượng nhờ tiền bán dầu mà Ả rập Saudi được hưởng và giúp thu nhập bình quân đầu người ở nước này tăng gấp 4 so với thời kỳ cuối thập niên 1980. “Nhiều thứ sẽ thay đổi”, Hathut nói. Anh cho biết sẽ kiếm thêm thu nhập bằng cách đứng lớp các khóa đào tạo riêng tại một trường đại học ở Riyadh, nơi anh đang là giảng viên khoa quản trị kinh doanh. “Giới trẻ đang bị sốc. Họ không chuẩn bị để đón nhận các tin tức xấu và những gì phải làm trong hoàn cảnh này”, anh nói.

Khi giá dầu lao dốc xuống mức quanh 30 đô la Mỹ/thùng, dấu hiệu của sự thay đổi chấn động xuất hiện mọi nơi ở vương quốc Hồi giáo có tiếng cực kỳ bảo thủ này, từ cung điện hoàng gia, nơi hoàng tộc đang suy tính việc bán công ty dầu khí độc quyền của nhà nước cho đến các hộ gia đình và doanh nghiệp đang điều chỉnh để thích ứng với điều kiện kinh tế mới

Các nữ cử tri đi bầu tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Riyadh vào ngày 12-12-2015 – thể hiện một sự thay đổi cực lớn trong xã hội Ả rập Saudi. Ảnh: AP

Giới trẻ được tự do hơn

Những người ở độ tuổi 15-34 chiếm hơn 40% dân số 21 triệu người của Ả rập Saudi đang chịu nhiều ảnh hưởng trước cơn biến động. Họ không còn được hưởng chăm sóc y tế miễn phí và mua xăng với giá 20 xu (4.500 VND) /lít nữa cũng như không còn được tăng lương thường xuyên.

Vào tháng trước, lần đầu tiên, phụ nữ Ả rập Saudi được đi bầu cử và tham gia ứng cử tại các cuộc bầu cử địa phương. Dù vậy, họ vẫn còn bị cấm lái xe.

Ghanem Nuseibeh, người sáng lập Công ty tư vấn Cornerstone Global Associates có trụ sở ở Anh cho biết giới trẻ Ả rập Saudi giờ đây đang kỳ vọng sẽ có tiếng nói lớn hơn trong việc điều hành và hiện đại hóa đất nước. “Giới trẻ Ả rập Saudi không bằng lòng với những thứ mà các thế hệ trước bằng lòng. Bất cứ điều gì mà nhà nước sắp tước đi của họ vì nguồn tài chính đang teo tóp, họ sẽ kỳ vọng nhận lại nó bằng những điều khác”, ông nói.

Những biểu hiện khác hiện ra rõ ràng ngay từ phút đầu tiên bạn đặt chân xuống sân bay quốc tế ở Riyadh. Khu vực đón hành khách vốn buồn tẻ nay đã sáng sủa hơn với các màn hình chiếu phim hoạt hình.

Hành khách sẽ nhận được câu chào đón: “Chào mừng đến Ả rập Saudi” từ những quan chức trẻ tuổi tươi cười trong trang phục áo choàng truyền thống.

Tại khu trung tâm của Riyadh, việc đi ăn bên ngoài không còn gây cảm giác giống như ngồi ăn ở trong các nhà tù sau khi nhiều nhà hàng dỡ bỏ các tấm chắn giữa các dãy bàn được dựng lên để ngăn cách thực khách nữ với thực khách nam.

Cách đây 10 năm, hầu hết các nhà hàng đều đặt một thông báo ở cửa nói rằng phụ nữ không được vào nhà hàng nếu như không có một người đàn ông đi cùng. Việc phụ nữ để lộ khuôn mặt là điều không thể tưởng tượng.

Nhưng trong một chuyến đi ăn nhà hàng vào tháng trước tại Riyadh, một nhóm thiếu nữ đã cởi khăn trùm đầu và xõa tóc xuống khi họ chụp hình “tự sướng”. Các nam nhân viên nhà hàng tỏ vẻ bình thường trước cảnh tượng này.

Những chiếc áo choàng abaya truyền thống mà phụ nữ mặc ở nơi công cộng còn được tô điểm với các họa tiết nhiều màu sắc, các hình thêu ren thay vì chỉ một màu đen bắt buộc như trước đây. “Bây giờ, phụ nữ có nhiều tự do hơn. Cha mẹ của chúng tôi không có được may mắn đó trước đây”, Mona, 23 tuổi, một trong những thiếu nữ đi ăn tại nhà hàng trên, cho biết.

Những gì các bậc cha mẹ ở Ả rập Saudi được hưởng là nhờ cơn bùng nổ tài chính nhờ giá dầu cao, giúp họ ngày càng giàu có. Thu nhập tính theo đầu người ở Ả rập Saudi tăng vọt lên 52.000 đô la Mỹ vào năm 2014 từ mức 12.000 đô la Mỹ vào thời điểm cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất nổ ra năm 1990.

Dù nhiều người dân Ả rập Saudi đang đón nhận thay đổi thì cũng có những người bảo thủ vẫn ủng hộ các quy định khắt khe.

Va chạm đã xảy ra tại nhà hàng nơi nhóm thiếu nữ đang ăn khi có hai nữ thực khách trùm mặt hoàn toàn yêu cầu nhân viên phục vụ phải tuân thủ quy định cấm mở nhạc nơi công cộng. Các nhân viên đã phải làm theo yêu cầu đó nhưng khi hai phụ nữ này đi, âm thanh của những bản tình ca lại vang lên.

Chuyên gia David Butter ở tổ chức tư vấn Chatham House ở London cho rằng vấn đề nảy sinh từ việc chấp thuận cởi mở hơn là “các thế lực bảo thủ trong xã hội đó sẽ phản ứng như thế nào? Rõ ràng có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột chính trị trong thời gian sắp tới”.

Thúc đẩy tư nhân hóa

Chính phủ Ả rập Saudi cũng lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong năm nay và dần dần tư nhân hóa một số công ty nhà nước như là một phần của cuộc cải tổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử Ả rập Saudi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Economist vào tuần trước, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Kinh tế và phát triển Ả rập Saudi, Hoàng tử Mohammed bin Salman, cho biết chính phủ sẽ xem xét bán một phần tài sản của tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco.

Ông cho biết vấn đề quan trọng hiện nay là phải tạo việc làm bao gồm khả năng để người dân làm các công việc có tiền công thấp mà bấy lâu nay chủ yếu dành do người lao động nước ngoài. “Chúng tôi có  các cơ hội lớn để tạo việc làm trong khu vực tư nhân”, ông nói và cho biết ít nhất có 10 triệu việc làm do lao động động nước ngoài đảm nhận và ông có thể lấy lại bất cứ khi nào.

Hoàng tử Mohammed bin Salman, năm nay chỉ mới 30 tuổi, đã tổ chức nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp, các bộ trưởng và thanh niên để thảo luận phương hướng giải quyết những thách thức mà những người dân trong nhóm tuổi của ông đang đối mặt.

Cô Madawi al-Issa, 30 tuổi, cho biết ngày nay giới trẻ Ả rập Saudi có thể khởi nghiệp kinh doanh nhờ mạng xã hội. Cô đang bán áo choàng abaya trên mạng, tuy nhiên, đó không phải là kiểu áo choàng màu đen hoàn toàn theo kiểu truyền thống. Mục tiêu của cô là “thay đổi cách nhìn nhận về áo choàng abaya từ chỗ chỉ là trang phục chán ngắt sang những kiểu trang phục bạn muốn mặc”.

Trường hợp của Madawi al-Issa  là ví dụ điển hình cho thấy những thay đổi kinh tế và xã hội đang diễn ra tại Ả rập Saudi.

Đọc thêm:

– Lo nguồn cung từ Iran, dầu giảm xuống 29 đô la Mỹ/thùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới