Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vượt qua Ba Lan, Đức, Ý… Việt Nam đứng nhì thế giới về xuất khẩu đồ gỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vượt qua Ba Lan, Đức, Ý… Việt Nam đứng nhì thế giới về xuất khẩu đồ gỗ

Lê Hoàng

(KTSG Online) – Dù cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm 2020 Việt nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý chỉ đứng sau Trung Quốc trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Và tình hình đơn hàng xuất khẩu với doanh nghiệp ngành này đang có chiều hướng tăng lên, đáng chú ý là thị trường Mỹ.

Vượt qua Ba Lan, Đức, Ý... Việt Nam đứng nhì thế giới về xuất khẩu đồ gỗ
Việt Nam vượt qua Ba Lan, Đức, Ý,… đứng nhì thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh minh họa: Minh Duy.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) chia sẻ với KTSG Online như trên tại buổi giới thiệu về Vietnam Furniture Matching Week – Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ vào chiều ngày 17-3.

Theo ông Phương, tổng kết năm 2020, ngành gỗ lại ghi nhận thêm 1 năm toàn ngành đạt thành tích rất đáng khích lệ, khi kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.

Dẫn số liệu báo cáo của Trung tâm nghiên cứu công nghiệp (CSIL), ông Phương cho biết, năm 2020 Việt nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý chỉ đứng sau Trung Quốc trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.

Kết quả này được xem là về đích sớm hơn mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với ngành ở một sự kiện cách đây hơn ba năm.

Còn nhớ ở một nghị về ngành này vào năm 2018, khi đó Thủ tướng đã đặt mục tiêu cho ngành gỗ Việt Nam trong năm năm tới đứng vị trí thứ hai thế giới. Như vậy, chỉ sau ba năm, ngành gỗ Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ nhì thế giới về kim ngạch xuất khẩu.

Đây là ngành duy nhất của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua liên tục tăng trưởng hai con số. Đáng chú ý, trong hai tháng đầu năm nay, ngành xuất khẩu đạt khoảng 2,4 tỉ đô la, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này có thể thấy qua việc một số khách hàng đã dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ.

Điều này ít nhiều cũng giúp cho ngành gỗ Việt Nam tạo được lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Điều này cũng chứng minh khi nhiều doanh nghiệp trong ngành chia sẻ nhận được đơn hàng từ thị trường xứ cờ hoa gia tăng nhiều trong những tháng đầu năm 2021, đại diện HAWA chia sẻ.

Theo ông Phương, năm 2021, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỉ đô la, ngành cần chú trọng đến các chỉ số quan trọng khác như năng suất lao động, giá trị sản phẩm, các yếu tố phát triển bền vững về xã hội và môi trường.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành, để vượt qua thách thức và hoàn thành mục tiêu, doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tận dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi đa dạng hình thức tiếp cận khách hàng là giải pháp hết sức cần thiết", ông Phương lưu ý.

Đồng quan điểm với ông Phương, bà Dương Thị Minh Tuệ – Ủy viên Ban chấp hành HAWA – cũng cho rằng, để có thể giữ vững vị thế, việc giữ chân khách hàng và tìm kiếm thị trường mới phải được triển khai xuyên suốt.

Theo bà Tuệ, tháng 3 và tháng 4 được xem là thời gian đặt hàng lớn nhất trong năm và đã trở thành điểm hẹn thường niên cho các nhà mua hàng quốc tế tại nhiều hội chợ lớn ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng từ dịch bệnh mà những sự kiện thường niên này không thể diễn ra.

"Trong bối cảnh bình thường mới, doanh nghiệp thực sự cần tận dụng tối đa các kênh quảng bá, xúc tiến thương mại từ online cho đến offline để duy trì sự hiện diện và năng động của mình đối với các nhà mua hàng. Và, số hoá công tác triển lãm, giao thương chính là lựa chọn hiệu quả nhất hiện nay. “Vietnam Furniture Matching Week được tổ chức vì nhu cầu này”, Bà Tuệ nói.

Song song các sự kiện kết nối giao thương, chuỗi webinar phân tích chuyên sâu về các thị trường chủ lực: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Đức, Canada… cũng sẽ tổ chức xuyên suốt thời gian diễn ra sự kiện, nhằm mang đến những thông tin thiết thực về thị trường, đồng thời thu hút lượt truy cập, gia tăng trải nghiệm của khách tham quan trên HOPE – một nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên của ngành công nghiệp nội thất Việt Nam, được xây dựng nhằm kết nối doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các nhà mua hàng trên toàn cầu.

Theo lãnh đạo HAWA, với vị thế là quốc gia đứng thứ hai trong xuất khẩu nội thất toàn cầu trong năm 2020, Việt Nam đang là ngôi sao sáng, sự lựa chọn tiên phong của các nhà mua hàng quốc tế. Do đó, sự kiện sắp diễn ra vào trung tuần tháng 4 tới đã thu hút nhiều tên tuổi lớn trong ngành, như: Kingfisher, IKEA, Ashley, Rowico, Target, Carrefour Vietnam, Test Rite, Trade point, MADE.COM…

Nhiều nhà mua hàng quốc tế lớn sẽ tham gia Vietnam Furniture Matching Week

Theo HAWA, hàng loạt chương trình kết nối giao thương từ online đến offline sẽ được tổ chức trong sự kiệt đặc biệt của ngành công nghiệp nội thất Việt Nam – Vietnam Furniture Matching Week, diễn ra từ ngày 12 đến 19-4-2021, kết nối nhà sản xuất Việt Nam với hàng ngàn nhà mua hàng quốc tế, các văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Một showroom ảo của nền tảng HOPE

Đây là nỗ lực của HAWA trong việc tận dụng tính năng và phát huy thế mạnh của nền tảng triển lãm trực tuyến www.hopefairs.com vào công tác kết nối giao thương.

Xuyên suốt Vietnam Furniture Matching Week, hàng loạt các hoạt động online, offline sẽ được triển khai nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam và nhà mua hàng quốc tế giải quyết bài toán giao thương trong bối cảnh Covid -19 vẫn đang còn cản trở công tác kết nối toàn cầu.

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của Vietnam Furniture Matching Week là sự kiện Furniture Sourcing Day. Diễn ra ngày 14-4, tại trung tâm Hội nghị White Palace Phạm Văn Đồng, TPHCM, đây là sự kiện offline quy tụ hơn 300 khách mời là nhà sản xuất, văn phòng đại diện, đơn vị sourcing trong và ngoài nước, nhằm xây dựng cộng đồng kết nối giữa nhà sản xuất Việt Nam với các Văn phòng đại diện và xúc tiến các quan hệ hợp tác lâu dài.

Trong đó, có thể kể đến những cái tên lớn trong ngành như: Kingfisher, IKEA, Ashley, Rowico, Target, Carrefour Vietnam, Test Rite, Trade point, MADE.COM…

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, cùng với các hoạt động B2B matching, triển lãm sản phẩm đặc sắc, hội thảo chuyên đề, được diễn ra trong sự kiện Furniture Sourcing Day, các hoạt động tham quan nhà máy theo từng dòng hàng, phân khúc và thị trường sẽ được tổ chức dành cho các văn phòng đại điện.

Bên cạnh những sự kiện offline, Vietnam Furniture Matching Week sẽ tiếp cận nhà mua hàng toàn cầu bằng hàng loạt các hoạt động online diễn ra trên nền tảng triển lãm trực tuyến hopefairs.com.

Cụ thể, sự kiện triển lãm trực tuyến & Online B2B Matching trên nền tảng trực tuyến sẽ giới thiệu hơn 100 nhà sản xuất Việt Nam với tổng diện tích thực tế lên đến hơn 20.000 m2, gần 10.000 sản phẩm, tạo điều kiện cho các nhà mua hàng trải nghiệm trực quan và kết nối dễ dàng đến doanh nghiệp sản xuất.

Khách hàng quốc tế lẫn trong nước đều có thể truy cập nền tảng HOPE tại https://hopefairs.com để chiêm ngưỡng hàng loạt mẫu thiết kế mới nhất của công nghiệp nội thất Việt Nam.

Với kinh nghiệm và mạng lưới kết nối đến buyer toàn cầu của mình, ông Phương cho biết HAWA sẽ đảm nhận vai trò tiếp nhận nhu cầu từ nhà mua hàng nước ngoài, từ đó, sàng lọc và giới thiệu, kết nối trực tuyến giữa khách hàng với doanh nghiệp trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới