Thứ Tư, 27/09/2023, 06:02
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Vượt qua những cung đèo tới cực Bắc Tổ quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vượt qua những cung đèo tới cực Bắc Tổ quốc

Bảo Ngọc

(TBKTSG Online) – Từ thành phố Hà Giang, xe chúng tôi phải vượt qua chặng đường gần 200km qua nhiều con dốc bò ngược bên sườn núi cùng những khúc cua tay áo như dốc Bắc Sum, dốc cổng trời Quản Bạ, dốc Thẩm Mã, dốc Đường Thượng và đặc biệt đèo Mã Pí Lèng… mới đặt chân tới Cột cờ Lũng Cú.

Vượt qua những cung đèo tới cực Bắc Tổ quốc
Giây phút thiêng liêng chào cờ tại cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ Lũng cú, một địa điểm không thể không đến khi bạn đến Hà Giang.

Lũng Cú là điểm cực Bắc Việt Nam, nằm ở độ cao 1.600m-1.800m so với mực nước biển. Đây là một xã thuộc huyện Đồng Văn, nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam, cách thành phố Hà Giang khoảng 200 km, cách thị xã Đồng Văn độ chừng 30km đường đèo. Đường đến Lũng Cú chênh vênh, uốn lượn giữa đất trời.

Quang cảnh xã Lũng Cú nhìn từ trên cao.

Ngọn núi Lũng Cú, theo huyền sử còn gọi là núi Rồng, núi Long Cư, tức nơi rồng thiêng từng cư ngụ. Ngọn núi thiêng này gắn liền với sử tích sau khi đại phá quân Minh, vua Lê Lợi đã cho treo cái trống thật to ở trên núi (có sách còn chép ngay từ thời Lý, thái úy Lý Thường Kiệt đã cho dựng trống ở đây) để dùng tiếng trống truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải. Mỗi khi có nguy, tiếng trống lại dồn dập vang xa hàng mấy dặm, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền từng tấc đất tấc sông.

Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh núi Lũng Cú. Theo huyền sử cột cờ bắt đầu được xây dựng từ thời Lý, làm từ cây sa mộc cao trên 10m. Tương truyền bài thơ thần về chủ quyền phân định sông núi nước Nam đã được vang lên ở nơi đỉnh núi rồng thiêng này. Trải qua nhiều lần trùng tu đến nay lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 (chiều dài 9m, chiều rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú.

Đoàn chúng tôi chụp ảnh ngay dưới chân cột cờ.

Cột cờ đứng giữa thiên nhiên hùng vĩ, bên kia là núi đá dựng đứng với những phiến đá tai mèo đen óng sắc nhọn tựa hàng ngàn mũi chông cắm vào vách núi sững sững hướng lên trời cao. Bên này là những dải núi xanh ngắt. Trời vừa hửng lên, sương đang tan để muôn dải nắng vàng như tơ buông nhẹ nhuộm ấm cho màu cây lá. Thấp thoáng dưới thung sâu, ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi. Xa xa là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc ẩn hiện giữa mênh mông đất trời như còn đang ngái ngủ trong sương. Thật gần, thật ấm trong tim du khách có lẽ còn là những vạt hoa tam giác mạch nở sớm bên đường cùng các cô bé, cậu bé gùi hoa, gùi quả trên vai, má hây hây bừng đỏ…

Tới Đồn Biên phòng Lũng Cú, chúng tôi, gần 120 thiếu nhi từ khắp ba miền Bắc-Trung-Nam tham dự Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò và Lễ trao giải “Cây bút Tuổi hồng” lần thứ VIII, năm 2018 tại Hà Giang đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các chiến sĩ nơi đây. Nếp sống kỷ luật, tinh thần trang nghiêm, tình cảm gần gũi của các chiến sĩ càng làm chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về những người lính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Giang, một tỉnh giáp biên giới, cuộc sống đồng bào còn vô vàn khó khăn. Vậy nên các chiến sĩ vừa là người giữ gìn sự bình yên của biên cương, vừa là người bạn, người thầy, vừa là bác sĩ cùng dựng xây, chăm lo đời sống cho đồng bào. Thậm chí, các chiến sĩ còn trở thành cha đỡ đầu nuôi dưỡng các em nhỏ mồ côi khó khăn. Chính ý chí kiên trung, tình yêu thương chân thành của người lính đã làm nên đường biên giới vô cùng quan trọng, bền vững trong lòng dân nơi đây.

Tôi còn nhớ như in, trong tích tắc khi lá cờ Tổ quốc đang tung bay phần phật trên đỉnh núi Rồng rủ xuống để mình được ôm trọn trong vòng tay, được lắng nghe oai linh của dân tộc thấm trong từng hơi thở của đất trời, là khoảnh khắc thiêng liêng cảm nhận trọn vẹn tình yêu Tổ quốc trong tim mình.

Toàn cảnh thiên nhiên núi đôi ở Quản Bạ.

Bởi vậy tôi tin, với cuộc hành trình đầy ý nghĩa này, chúng tôi đi không phải chỉ để được trải nghiệm những cảnh sắc tuyệt vời về đất và người của một miền quê mới. Điều giản dị mà lớn lao hơn thế, chuyến đi đã giúp chúng tôi thêm yêu từng tấc đất quê hương, từng con người, đến từng giọt sương, ngọn cỏ để sống có trách nhiệm hơn trong tinh thần tự tôn dân tộc. Và sau cùng, mỗi chúng ta, dù đi đâu cũng mong được viết vào hành trình quý giá của mình những giá trị mang tên gọi: tình yêu và sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới