Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vượt qua những giới hạn, lan tỏa sự sẻ chia nơi tâm dịch

Phạm Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với những người nước ngoài đang sống tại TPHCM, có lẽ chưa bao giờ họ thấy thành phố náo nhiệt này lại trải qua những ngày lặng lẽ đến vậy.

Đường phố đang ồn ào bỗng vắng tiếng còi xe, những góc phố nhộn nhịp nay cũng vắng bóng người.

TPHCM đang trong những ngày giãn cách xã hội vì Covid-19, cơn đại dịch đang gieo rắc sự sợ hãi và đau khổ cho nhiều người, trong đó có cả những người nước ngoài đang sống và làm việc tại thành phố này.

Và trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tình người đã trỗi dậy.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây đã cùng với cộng đồng tham gia các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ người nước ngoài cũng như người Việt Nam đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: NVCC

Kể từ khi dịch bệnh ập đến, nhiều nhóm thiện nguyện lần lượt ra đời. Những mạnh thường quân, những người có điều kiện, cộng với sự đóng góp bằng nhiều cách khác nhau của cộng đồng đã nối dài cách tay thiện nguyện tới những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Không đứng ngoài cuộc, nhiều người nước ngoài cũng đã tham gia, cũng có cách làm thiện nguyện theo cách của mình.

Jovel Eugenia Chan, cô gái người Singapore, cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, cô đã tham gia ba đợt thiện nguyện giúp những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Hơn 9 tháng sống ở Việt Nam, Jovel chưa kịp mở một phòng tập thể dục như dự định thì Covid-19 ập đến, mang theo nhiều điều bất ngờ cho những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam như cô.

“Ba tháng trước, khi đợt giãn cách xã hội đầu tiên diễn ra, tôi chưa thấy được sự ảnh hưởng của nó cho tới ngày người giúp việc của tôi đến xin một ít thực phẩm. Đó là khi tôi nhận ra cô ấy bị kẹt lại trong chung cư khi đang làm việc. Cô ấy không thể về nhà và không có thực phẩm để dùng”, Jovel cho biết.

Jovel kể, cô đã cho người ấy phân nửa số thức ăn dự trữ của mình, bắt đầu nảy ra ý tưởng kêu gọi mọi người giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Cùng với một người bạn Việt Nam tên Trâm, chủ nhà hàng Der Imbiss Saigon ở Thảo Điền, Jovel và những người tình nguyện đã chia 1 tấn rau củ thành 410 phần nhỏ để phát cho người có nhu cầu. Tiếp theo đó là 500 ổ bánh mì được chuyển tới những người nằm trong vùng bị phong tỏa.

Jovel cho biết cô lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ những người đang gặp khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội, trong đó có một nhóm người Philippines.

“Tôi làm chương trình từ thiện trực tuyến, và mới tuần rồi đã quyên góp được khoảng 400 đô la Mỹ”,  Jovel nói và cho biết thêm sẽ tiếp tục chương trình thiện nguyện của mình.

Cũng giống như Jovel, Robin Deepu đang cùng với nhân viên của mình chia sẻ khó khăn với cộng đồng, nơi ông đã có hơn 10 năm chung sống.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM cũng gặp phải những khó khăn trong công việc và đời sống sinh hoạt, tuy nhiên họ vẫn tích cực tham gia công tác thiện nguyện theo cách riêng, hướng về cộng đồng. Ảnh: NVCC

Vị doanh nhân người Ấn Độ này đang điều hành ba nhà hàng tại Việt Nam, hai tại TPHCM và một tại Hội An. Đến thời điểm hiện tại, cả ba nhà hàng đã đóng cửa do ảnh hưởng của Covid-19.

Covid khiến nhà hàng của ông Robin phải đóng cửa, nhưng khu vực bếp của nhà hàng ngày nào cũng đỏ lửa, tấp nập với các nhân viên đang chuẩn bị bữa ăn cho những người đang cần sự giúp đỡ.

“Chúng tôi bắt đầu với 300 phần ăn và bây giờ đã lên đến 1.800 phần, ông Robin cho biết.

Ông Robin cho biết các suất ăn không chỉ hướng đến người nằm trong vùng bị phong tỏa, những nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu mà còn giúp cả những người nước ngoài đang gặp khó khăn, kể cả những người có nhu cầu thức ăn Halal.

Cũng với cách làm tương tự, Matt Ryan đang lan tỏa tinh thần tương thân tương ái của mình qua những suất ăn được chuẩn bị chu đáo tại nhà hàng Union Jack’s Fish & Chips, Thảo Điền, quận 2, TPHCM.

Người đàn ông đến từ Vương Quốc Anh này gọi Việt Nam là nhà vì đã có đến 12 năm sinh sống và làm việc tại TPHCM. Ông nói: “gia đình tôi ở đây, bạn bè tôi ở đây”.

Ba tháng qua, nhà hàng của ông phải đóng cửa vì Covid, nhưng không vì thế mà nó trở nên vắng lặng. Hàng ngày, các suất ăn vẫn được chuẩn bị theo nhịp của chương trình “Việt Nam ơi cố lên”.

“Chúng tôi thấy nhiều người đang gặp khó khăn, nên cố gắng trong khả năng của mình để giúp đỡ họ”, Matt chia sẻ.

Matt cho biết, trong suốt một tháng qua, mỗi ngày nhà hàng của ông nấu khoảng 400 suất ăn với nguồn nguyên liệu đến từ sự đóng góp của những nhà hảo tâm và tổ chức thiện nguyện.

Trong con mắt nhiều người, những người nước ngoài là khách, họ đến rồi sẽ đi. Nhưng trong cơn khốn khó của đại dịch, họ không đứng ngoài cuộc mà chung tay vì lòng nhân ái. Ảnh: NVCC

Trong con mắt nhiều người, những người nước ngoài là khách, họ đến rồi sẽ đi. Nhưng trong cơn khốn khó của đại dịch, họ không đứng ngoài cuộc mà chung tay vì lòng nhân ái. Khi được hỏi về dự định sau khi dịch bệnh lắng xuống, nhiều người cho biết sẽ vẫn ở lại đây.

“Mọi thứ sẽ dần trở lại với Sài Gòn. Tôi vẫn sẽ ở đây. Đất nước này là nhà của tôi. Tôi yêu thành phố này, yêu căn hộ của tôi, yêu những người hàng xóm và cộng đồng của tôi. Do đó, tôi chắc chắn sẽ ở lại đất nước này”, Jovel Eugenia Chan nói.

Cũng với câu hỏi đó, Robin Deepu cho biết: tôi đã sống ở đây hơn 10 năm, đã xem Việt Nam là nhà của mình. Tôi sẽ tiếp tục ở đây và duy trì công việc kinh doanh của mình sau khi dịch bệnh kết thúc.

Còn với Matt Ryan, ông bảo: Việt Nam là nhà của tôi. Sài Gòn là thành phố của tôi. Gia đình của tôi và bạn bè của tôi ở đây. Tôi sẽ không rời khỏi Việt Nam. Tôi mong chờ ngày Việt Nam sẽ trở lại bình thường như trước dịch.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới