Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vượt Trung Quốc ở thị trường Mỹ, nội thất Việt đối diện với thách thức

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Từ năm 2020, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng gỗ nội thất lớn nhất sang Mỹ – thị trường tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Thị trường Mỹ, chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, tiếp tục đổ đơn hàng về Việt Nam cùng lúc với những thách thức đáng chú ý. Phía nhà nhập khẩu đã đặt ra nghi ngờ có gian lận thương mại trong bối cảnh Mỹ đánh thuế cao nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc.

Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm của nước ngoài.Ảnh: Quốc Hùng

Mitchell Gold + Bob Williams, nhà mua hàng cho các chuỗi bán lẻ nội thất tại Mỹ, từ năm 2019, đã chuyển dần các đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam. Theo bà Tracy Trần, đại diện Mitchell Gold + Bob Williams tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã tăng số nhà máy cung cấp hàng của Việt Nam từ con số 4 ban đầu lên số 16 hiện nay.

Lý do là nhiều mặt hàng nội thất từ Trung Quốc hiện bị đánh thuế quá cao khi vào Mỹ. Hoặc một số mặt hàng tại Indonesia lại có giá rẻ nhưng chất lượng không cao, trong khi sản phẩm tương đương ở Việt Nam giá cao hơn nhưng chất lượng ổn định và tốt hơn nhiều. “Do đó, tỷ lệ mua hàng từ Việt Nam đến nay đã chiếm khoảng 70% tổng sản lượng mua hàng toàn thế giới của chúng tôi”, bà Tracy chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), cũng là chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho biết hiện công ty đã có đơn hàng cho thị trường Mỹ đến hết tháng 9 tới.

“Thị trường xứ cờ hoa trước đây chỉ chiếm hơn 20% thị phần, nhưng ba năm qua chúng tôi có thêm một số khách hàng mới dẫn đến thị trường Mỹ hiện chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu”, ông Sang nói, và cho biết thêm: “Những khách hàng mới này chuyển đơn hàng từ Trung Quốc qua Việt Nam”.

Còn ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó chủ tịch Scansia Pacific, cho biết doanh số ở thị trường xứ Mỹ của công ty hiện đã tăng gấp 5 lần so với năm năm trước. Một số khách hàng lớn, trong đó có cả WalMart, cũng đặt hàng từ Scansia Pacific. “Ngành đồ gỗ Việt Nam hiện được nhiều nhà mua hàng thế giới biết đến về chất lượng và giá cả cạnh tranh, nên từ khi Mỹ đánh thuế cao mặt hàng này, họ đã chuyển đơn hàng thực hiện từ Trung Quốc về”, ông Bảo nói.

Sản phẩm đồ gỗ từ Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ trong hai năm qua đã vượt qua Trung Quốc, đất nước nhiều năm liền giữ “ngôi vương” nhóm mặt hàng này tại Mỹ.

Tiềm năng xuất khẩu còn lớn

Mỹ là thị trường tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất thế giới và vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Theo trang woodworkingnetwork.com, bất chấp sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và các vấn đề về lao động, đồ nội thất là ngành tăng trưởng nhanh thứ hai trong số 15 ngành sản xuất hàng đầu được theo dõi bởi Viện Quản lý cung ứng Mỹ.

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Ý (CSIL), thị trường đồ nội thất thế giới đã phục hồi vào năm 2021 với mức tiêu thụ cao hơn nhiều so với trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 và 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường chính nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất lớn nhất.

Các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ đang tiếp tục tìm kiếm đối tác có năng lực và đáng tin cậy và Việt Nam có nhiều lợi thế để cạnh tranh.

Thách thức phòng vệ thương mại

Dù vậy, ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, vì Mỹ là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về minh bạch thông tin và cạnh tranh thương mại công bằng. Mặc dù Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về kiểm soát nguồn gốc gỗ, song một số sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn có nguy cơ bị điều tra khi có dấu hiệu bất thường và đây là thách thức rất lớn đối với gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), các mặt hàng như bộ phận đồ gỗ, nội thất phòng bếp (tủ bếp, tủ nhà tắm), nội thất phòng ngủ, nội thất bằng gỗ khác, có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Riêng đối với mặt hàng tủ bếp, thị trường Mỹ với quy mô 5-7 tỉ đô la/năm, nhóm mặt hàng này đang được các doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam mở rộng mạng lưới sản xuất và xuất khẩu nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Do xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng mạnh, nên theo Viforest, điều này ẩn chứa rủi ro gian lận xuất xứ.

Tại hội thảo chuyên ngành đồ gỗ gần đây, bà Nguyễn Phạm Như Hà ở Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết thời gian qua cơ quan hải quan đã nhận thấy được những rủi ro tiềm ẩn từ gia tăng kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc, đồng thời gia tăng xuất khẩu gỗ đi Mỹ từ năm 2018. Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, Tổng cục Hải quan không chỉ đánh giá với mặt hàng gỗ mà còn đánh giá với các mặt hàng khác, nhưng gỗ là mặt hàng rất đáng lo ngại.

Cũng theo bà Hà, có hai hình thức gian lận chính mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc đang lợi dụng để lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Thứ nhất là nhập khẩu gỗ ván bóc, ván dán nhưng sau đó lấy xuất xứ Việt Nam để xuất đi. Doanh nghiệp hầu như không làm gì nhiều trên công đoạn từ khi nhập nguyên liệu đến khi ra thành phẩm để xuất đi. Như vậy là không đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ Việt Nam. Thứ hai, các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nhà cung cấp là doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc, nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ mua một vài sản phẩm, sau đó lắp ráp lại. “Hình thức mua bán lòng vòng khiến cơ quan hải quan khi điều tra, thu thập thông tin rất mất thời gian”, bà Hà chia sẻ.

Đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất khẩu đi liền với nguy cơ bị điều tra và áp đặt thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và cả chống lẩn tránh. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại (cập nhật đến tháng 11-2021), có 11 sản phẩm thì có tới 4 sản phẩm gỗ và đều xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đó là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; tủ gỗ; ghế sofa có khung gỗ; và gỗ thanh và viền dải gỗ. Nguyên nhân là do những mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng mạnh từ năm 2020 và đây cũng là nhóm mặt hàng Mỹ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc với mức thuế suất cao.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện; theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.

Còn theo Viforest, vai trò của các doanh nghiệp trong nước là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm pháp luật, quy định thương mại song phương, không tiếp tay cho những hành vi làm tổn hại hình ảnh, thương hiệu gỗ Việt Nam. Doanh nghiệp cần cung cấp các thông tin nghi ngờ liên quan đến gian lận, vi phạm, từ đó cơ quan chức năng có thể đưa ra biện pháp quản lý tương ứng với mặt hàng, doanh nghiệp.

Viforest cũng kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư nước ngoài có tính rủi ro cao. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng khốc liệt, cần thường xuyên đánh giá các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh, chuyển tải hàng hóa để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới