Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Washington tranh cãi kịch bản giải cứu Silicon Valley Bank

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các cuộc bàn luận về khả năng giải cứu Silicon Valley Bank (SVB) trong vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ đang gây tranh cãi ở Washington.

Sự hỗ trợ của chính phủ đối với những khách hàng gửi tiền giàu có thể châm ngòi cho một cơn bão chính trị nhưng nếu không hành động thì một số công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ gửi tiền ở SVB có thể đóng cửa vì hết tiền trả lương. Đó là chưa kể rủi ro tiềm ẩn của biến cố SVB đối với ngành ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ bị bán tháo giữa cơn khủng hoảng tiềm ẩn

Các cơ quan quản lý liên bang Mỹ sẽ phải cân nhắc mức độ rủi ro lây lan từ cú sụp đổ của ngân hàng SVB để đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp, kể cả khả năng giải cứu. Ảnh: The Herard Global

Kêu gọi giải cứu

Các quan chức chính quyền liên bang Mỹ đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng để giải cứu ngay những khách hàng lớn nhất của SVB. SVB vừa sụp đổ và bị nhà chức trách tiếp quản hôm 10-3 là ngân hàng chuyên phục vụ cộng đồng khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, kịch bản giải cứu đang khơi mào cuộc tranh luận chính trị gay gắt về vai trò của Washington trong việc ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn đối với lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn của Mỹ.

Các giám đốc điều hành công nghệ, cựu quan chức chính phủ và ít nhất hai nhà lập pháp đảng Dân chủ kêu gọi chính phủ bảo vệ khách hàng gửi tiền trong vụ sụp đổ của SVB nếu không tìm thấy đối tác sẵn sàng mua lại ngân hàng này. Những người này cho rằng, đó là cách duy nhất để hạn chế một loạt các vấn đề lớn hơn.

Những công ty từng làm ăn với SVB đã cảnh báo rằng cú sụp đổ của ngân hàng này có thể khiến các startup công nghệ sa thải hoặc cho hàng ngàn nhân viên nghỉ việc không lương. Việc này cũng sẽ khiến nhiều nhân viên không thể nhận được khoản lương tiếp theo.

Một số chuyên gia lo ngại nhiều công ty có thể chuyển tiền từ các ngân hàng tương tự như SVB sang các ngân hàng thương mại lớn và an toàn hơn, dẫn đến một vòng xoáy bất ổn mới.

Trong trường hợp không có đối tác mua lại SVB, nếu muốn hỗ trợ trả lại tiền cho những người gửi tiền ở ngân hàng này thì Quốc hội Mỹ phải thông qua luật cho phép rút thêm tiền từ quỹ bảo hiểm được tất cả các ngân hàng nộp vào và được hỗ trợ bởi tiền của người nộp thuế ở Mỹ.

Quỹ này thường chỉ chi trả tối đa 250.000 đô la Mỹ cho mỗi khách hàng gửi tiền ở các ngân hàng thành viện của Công ty Bảo hiểm tiên gửi liên bang (FDIC). Tuy nhiên, hơn 90% chủ tài khoản tiết kiệm của SVB có số tiền gửi vượt quá giới hạn đó.

Một số người phản đối việc sử dụng quỹ này giúp đỡ những khách hàng lớn vì cho rằng, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại, khiến các ngân hàng khác bị rơi hoàn cảnh tương tự cũng mong đợi chính quyền liên bang can thiệp và giải cứu.

Hạ nghị sĩ Matt Gaetz tuyên bố không ủng hộ sử dụng tiền thuế người dân để giải cứu SVB. Max Ghenis, nhà phân tích chính sách tại PolicyEngine cũng viết trên Twitter là: “Giải cứu SVB sẽ khuyến khích các ngân hàng chấp nhận rủi ro một cách vô trách nhiệm”.

Động thái giải cứu có thể dẫn đến phản ứng dữ dội, giống như sự phẫn nộ của công chúng với các biện pháp giải cứu của chính phủ dành cho Phố Wall trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ở lần này, những người nộp thuế sẽ cứu trợ những “ông trùm” công nghệ tương lai thay vì những “ông trùm” tài chính.

Một khả năng khác là do lo sự sự lây lan rộng hơn, các ngân hàng lớn ở Phố Wall sẽ mua những tài sản còn lại của SVB và sẽ bảo toàn tiền gửi của khách hàng SVB. Tuy nhiên, những ngân hàng này có thể yêu cầu chính phủ liên bang giúp đỡ trước khi đồng ý một thỏa thuận mua lại không có khả năng không sinh lãi.

Giới chuyên gia bất đồng về cách ứng phó

Khi quyết định cách ứng phó, giới chức trách liên bang sẽ phải cân nhắc mức độ rủi ro từ cú sụp đổ của SVB với những bộ phận khác của ngành ngân hàng và nền kinh tế Mỹ.

Nhiều chuyên gia ngân hàng coi biến cố SVB là một sự kiện bất thường chỉ tác động giới hạn ở một bộ phận cụ thể của nền kinh tế, cụ thể lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, thực tế là giới đầu tư vẫn hoảng loạn bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall, gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo và Goldman Sachs.

“Câu hỏi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải trả lời là tác động của biến cố SVB rộng đến mức nào. Đó có phải là vấn đề chỉ với một vài ngân hàng có thể quản lý được hay có một sự lây lan rộng lớn hơn, có thể mang tính hệ thống”, Barney Frank, cựu nghị sĩ bang Massachusetts, người đóng vai trò dẫn dắt trong việc viết lại luật để điều chỉnh Phố Wall sau cuộc khủng hoảng năm 2008 nói.

Theo ông, trong trường hợp nhận thấy rủi ro mang tính hệ thống, Fed phải can thiệp và sử dụng quyền lực mà cơ quan này có. Frank cho biết, đã cảnh báo các quan chức cấp cao của Fed về việc, rủi ro của biến cố SVB đối với hệ thống tài chính có thể lan rộng hơn.

Một loạt nhà quản lý liên bang, gồm những người thuộc FDIC, Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã lên lịch một số cuộc họp riêng với các nhà lập pháp hàng đầu kể từ khi SVB sụp đổ. Những nhà lập pháp này là thành viên của Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc hạ viện Mỹ, cơ quan giám sát ngân hàng.

Hạ nghị sĩ Brad Sherman, một trong những thành viên của ủy ban này kêu gọi chính phủ cần làm mọi thứ có thể để giúp các startup công nghệ gửi tiền ở SVB trả lương cho nhân viên, nếu không ngành công nghệ sẽ hứng một đòn giáng tài chính nặng nề

Ông cho biết, có khoảng 40 startup ở bang California sẽ sụp đổ nếu không rút được tiền từ SVB để trả lương cho nhân viên trong 40 tuần tới.

Có thể bán tài sản SVB để hoàn tiền cho khách hàng

FDIC được thành lập trong thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ đầu thập niên 1930 để cung cấp một biện pháp hỗ trợ liên bang đối với các hoạt động rút tiền của ngân hàng. FDIC chỉ bảo hiểm một phần tiền gửi của khách hàng, vừa để giảm rủi ro cho người nộp thuế vừa khuyến khích khách hàng thẩm định các ngân hàng kỹ hơn trước khi quyết định gửi tiền.

Hôm 10-3, FDIC thông báo, vào ngày 13-3 tới, những người gửi tiền ở SVB sẽ được rút phần tiền được bảo hiểm không quá 250.000 đô la. Theo đó, những người có tài khoản vượt quá 250.000 đô la sẽ nhận lại được một số tiền trong phần vượt quá đó nhưng không nêu rõ số tiền. Những người gửi tiền quá mức bảo hiểm chiếm phần lớn khách hàng của SVB.

Trong trường hợp không có ai mua lại SVB, FDIC dự kiến sẽ bán tất cả các tài sản còn lại của ngân hàng này để trả cho phần tiền không được bảo hiểm của người gửi.

Theo Todd Phillips, cựu luật sư của FDIC và hiện là thành viên của Viện Roosevelt, quốc hội sẽ không thông qua luật bảo vệ toàn bộ phần tiền không được bảo hiểm tại SVB. Mức trần chi trả bảo hiểm 250.000 đô la thực sự nhằm hỗ trợ cho những người dân bình thường. “Trước đây, quốc hội cũng đã không tỏ ra quan tâm nhiều đến việc giải cứu những doanh nghiệp nắm giữ hàng triệu đô la ở các ngân hàng”, ông nói.

Theo báo cáo tài chính mới nhất do công ty công bố vào tháng trước, SVB nắm giữ khoảng 150 tỉ đô la tiền gửi không được bảo hiểm. Con số này chiếm hơn 93% tiền gửi của SVB. Nhiều khoản tiền gửi này là của các nhà đầu tư mạo hiểm giàu có hoặc các công ty công nghệ mà Washington sẽ đối mặt với sự phản đối của công chúng nếu hỗ trợ những công ty này.

SVB nắm giữ hơn 200 tỉ đô la tài sản vào cuối năm ngoái nhưng hiện tại, theo các cơ quan quản lý của California, ngân hàng này chỉ còn khoảng 160 tỉ đô la giá trị tài sản. Todd Phillips ước tính, những người gửi có phần tiền gửi không được bảo hiểm có thể chịu khoản lỗ từ 10 -15% sau khi số tài sản được bán để trả tiền cho khách hàng. Điều này sẽ gây khó khăn cho họ nhưng không phải là thảm họa đối với nền kinh tế.

Theo Washington Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới