Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

WB cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt ‘thập niên mất mát’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào “thập niên mất mát” về tăng trưởng và rủi ro này có thể nghiêm trọng hơn nếu cơn bất ổn tài chính hiện nay gây ra suy thoái toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo trong báo cáo hôm 27-3.

Tàu container ở cảng Oakland, bang California, Mỹ. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm căng thẳng các mối quan hệ thương mại quốc tế. Ảnh: NY Times

Báo cáo cho rằng, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ gây tổn thương lâu dài đối với hoạt động kinh tế, làm suy yếu các nỗ lực cải thiện mức sống toàn cầu, giảm nghèo và giải quyết biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của WB cho thấy, những bước thụt lùi của kinh tế thế giới gần đây có tác động dai dẳng hơn và sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trong thập niên này xuống mức 1/3 so với 10 năm đầu tiên của thế kỷ này.

Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB, cho biết kinh tế toàn cầu không còn tăng trưởng bền vững là do “ít việc làm hơn, ít đầu tư hơn và ít thương mại hơn” so với thời kỳ tăng trưởng và phát triển nhanh hơn trong thập niên 1990 và 2000.

WB dự báo, tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong phần còn lại của thập niên này chỉ là 2,2%/năm, giảm so với mức trung bình 2,6% hàng năm trong giai đoạn 2011-2021 và 3,5% trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Nghiên cứu của WB chỉ ra, đại dịch Covid-19 tạo ra bất ổn lớn cho các doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư trên thế giới xuống mức 3,5% hàng năm, bằng một nửa mức tăng trưởng đầu tư trung bình trong hai thập niên qua.

Đại dịch cũng làm gián đoạn hoạt động giáo dục trẻ em, từ đó, ảnh hưởng đến các kỹ năng làm việc của chúng trong tương lai khiến số lao động ở nhiều nước trong tương lai thấp hơn dự kiến.

Theo WB, cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng bất ổn và khiến xu hướng giảm đầu tư nghiêm trọng hơn nữa, đặc biệt là ở châu Âu. Thương mại toàn cầu hầu như không tăng trưởng nhanh như nền kinh tế thế giới do căng thẳng địa chính trị kể từ năm 2010.

Ayhan Kose, nhà kinh tế trưởng phụ trách bộ phận tăng trưởng, tài chính và thể chế hài hòa tại WB, cho biết sự kết hợp của những yếu tố này có nghĩa là “kỷ nguyên vàng của sự phát triển dường như sắp kết thúc”.

Theo ông, điều đáng lo ngại là căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay xảy ra khi thế giới vẫn chưa thoát ra được các tổn thương kéo dài từ các cuộc khủng hoảng khác liên quan đến dịch bệnh, địa chính trị. Cơn hỗn loạn trong hai tuần qua trên thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế hiện tại và trong 4-5 năm tới.

“Sự suy giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu có thể nghiêm trọng hơn nhiều nếu một cuộc khủng hoảng tài chính khác nổ ra, đặc biệt nếu nó kéo theo một cơn suy thoái toàn cầu khác”, ông nói.

WB nhấn mạnh thập niên tăng trưởng mất mát không phải là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để ngăn chặn rủi ro này đòi hỏi “nỗ lực chính sách tập thể phi thường” để vực dậy mức tăng trưởng trong thập niên tới về mức trung bình của thập niên trước đó”.

WB nhận định, tăng trưởng tiềm năng của kinh tế toàn cầu có thể đạt tới 2,9% hàng năm trong những năm còn lại của thập niên này nếu các nhà hoạch định chính sách triển khai các kế hoạch đúng đắn để tăng năng suất, nguồn cung lao động cũng như củng cố đầu tư.

Cách khả quan nhất để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trên toàn thế giới là bảo đảm đầu tư mạnh mẽ và sự tham gia của lực lượng lao động, đặc biệt là phụ nữ và lao động lớn tuổi. WB kêu gọi giới chức trách của các nước tập trung vào việc kiểm soát tốc độ tăng giá, củng cố sự ổn định của khu vực tài chính và giảm nợ để giành lại niềm tin của nhà đầu tư.

WB hối thúc các chính phủ đầu tư nhiều tiền hơn cho các dự án giao thông, năng lượng, nông nghiệp, hệ thống đất đai và nguồn nước đồng thời chú ý đến nỗ lực giảm thiểu rủi ro khí hậu trong quá trình này. Nỗ lực này có thể tạo ra tiềm năng tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu thêm 0,3 điểm phần trăm mỗi năm.

WB cho rằng, các nước có chi phí vận chuyển và hậu cần cao nhất cắt giảm một nửa, bao gồm thông qua cải cách thủ tục hải quan và biên giới. Các nước có thể giảm chi phí thương mại theo cách thân thiện với khí hậu, chẳng hạn như loại bỏ bất kỳ sự ưu ái nào cho hàng hóa phát thải nhiều carbon trong biểu thuế quốc gia.

 Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới