Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

WB đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

WB đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Thùy Dung

WB đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giảm áp lực lên quỹ BHXH – Ảnh minh họa: TL.

(TBKTSG Online) – Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là một trong bốn giải pháp được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, nhằm giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), tại buổi tọa đàm “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, cải cách thông số lương hưu và những đề xuất sửa đổi luật BHXH” diễn ra sáng 19-3 tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, BHXH hiện vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp; khả năng duy trì quỹ BHXH, đặc biệt là quỹ hưu trí không cao và khả năng mất cân đối quỹ ngày càng lớn.

Theo đó, WB đề xuất 4 gói giải pháp nhằm giảm thâm hụt quỹ BHXH, bao gồm: tăng tuổi nghỉ hưu; điều chỉnh công thức tính lương hưu; tăng nguồn thu quỹ hưu trí và chi phí quản lý bảo hiểm hưu trí.

Theo bà Tuyết, hiện nay BHXH đang có sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu theo giới khi với nam tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi trong khi ở nữ chỉ là 55.

Ngoài ra, còn có sự ưu đãi đối với lực lượng vũ trang, công an, quân đội khi tuổi nghỉ hưu của họ thấp hơn so với người lao động bình thường; có sự ưu đãi đặc biệt đối với lực lượng lao động nặng nhọc, bệnh nghề nghiệp. Tuổi nghỉ hưu sớm của họ chỉ là 45 đối với nữ và 50 đối với nam.

Các chuyên gia đều cho là tuổi nghỉ hưu bình quân trong giai đoạn vừa qua thấp và chậm điều chỉnh so với quá trình phát triển kinh tế. Ngoài ra, xu hướng tăng kỳ vọng sống và già hóa dân số đang gây áp lực lớn cho quỹ hưu trí. Đặc biệt, quy định tuổi hưu hiện hành gây bất bình đẳng về giới trong đóng góp và hưởng thụ lương hưu.

WB đưa ra 3 phương án và lộ trình cho quá trình tăng tuổi nghỉ hưu như sau:

Phương án 1: Tăng tuổi hưu của cả nam và nữ, nhưng vẫn giữ nguyên chính sách giới hiện hành. Theo đó, tuổi hưu nam sẽ tăng từ 60 lên 65 tuổi; tuổi hưu nữ tăng từ 55 lên 60 tuổi. Ngoài ra tuổi về hưu sớm của nam và nữ tối đa 5 năm so với tuổi bình thường và cứ 2 năm tăng 1 tuổi, bắt đầu từ  năm 2015.

Phương án 2: Tăng tuổi hưu của cả nam và nữ, nhưng giảm khoảng cách về giới. Theo đó, tuổi hưu nam tăng từ 60 lên 62 tuổi; tuổi hưu nữ tăng từ 55 lên 60 tuổi. WB đưa ra hai lộ trình là tăng tuổi hưu của nữ trước, bắt đầu từ 2015, cho tới khi tuổi hưu nữ đạt mốc 59 tuổi sẽ tăng tuổi hưu của nam. Hoặc sẽ tăng tuổi hưu của cả nam và nữ ngay từ 2015.

Phương án 3: Tăng tuổi hưu của nữ lên 60, giữ nguyên tuổi hưu của nam. Tuổi về hưu sớm của nữ để được trợ cấp hưu trí tối đa là 5 năm so với tuổi bình thường. Theo đó cứ 2 năm tăng 1 tuổi, bắt đầu từ năm 2015.

Theo TS. Phạm Đỗ Nhật Tân, Nguyên vụ trưởng Vụ BHXH cho hay ba phương án trên đều đáp ứng mục tiêu tăng tính bền vững tài chính của quỹ BHXH trong dài hạn. Tuy nhiên, với việc sửa đổi tuổi hưu áp dụng cho mọi đối tượng như đề xuất, chắc chắn sẽ gây sự phản ứng tiêu cực của xã hội.

Theo ông Tân, trước mắt, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; sau một thời gian (khoảng 5 năm) sẽ mở dần điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc ở khu vực công, khối nghiên cứu và tiếp tới  sẽ mở rộng cho mọi đối tượng.

Còn theo TS. Phạm Trường Giang, Phó vụ trưởng, Vụ Bảo hiểm xã hội, trong các phương án tăng tuổi nghỉ hưu, WB đều lựa chọn thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu là 2015. Tuy nhiên, theo thông lệ, các nước khác thường tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh thị trường lao động thiếu hụt lực lượng lao động. Tuy nhiên, chưa có căn cứ để xác định năm 2015 Việt Nam đã rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động hay chưa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới