Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

WB: Kinh tế Đông Á bị tác động nhẹ bởi động đất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

WB: Kinh tế Đông Á bị tác động nhẹ bởi động đất

Phúc Minh

WB cho biết động đất Nhật Bản sẽ tác động nhẹ đến kinh tế Đông Á trong ngắn hạn. Ảnh: Getty

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21-3 phát hành báo cáo nửa năm cho biết trận động đất và sóng thần tàn phá tại Nhật Bản ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của nước này sẽ tác động nhẹ đến khu vực Đông Á trong ngắn hạn.

>>> Kinh tế Nhật bị ảnh hưởng nặng sau động đất

Kinh tế​​ Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình

Báo cáo cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo chính xác về tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ suy giảm trong ngắn hạn nhưng dự kiến ​​sẽ tăng trưởng trung bình khi Nhật Bản bắt đầu quá trình tái thiết, dự kiến kéo dài khoảng 5 năm.

WB cho rằng Nhật Bản có kinh nghiệm phục hồi kinh tế sau trận động đất Kobe năm 1995, cho thấy khả năng ứng phó với mối đe dọa động đất của nước này.

Hiện nay, ngân hàng Nhật Bản chưa cung cấp con số thiệt hại do thảm họa động đất và sóng thần gây ra nhưng các tổ chức dân sự ước tính thiệt hại kinh tế có thể từ 122 – 235 tỉ đô la Mỹ, hoặc từ 2,5 – 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trước đó, trận động đất Kobe gây thiệt hại kinh tế khoảng 100 tỉ đô la Mỹ, tương đương 2% GDP.

WB cho biết ngành công nghiệp bảo hiểm tư nhân sẽ gánh chịu một phần nhỏ chi phí của những thiệt hại, hầu hết chi phí do các gia đình và chính phủ gánh.

Kinh tế Đông Á bị tác động nhẹ

WB cũng cho biết: “Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản suy giảm tạm thời sẽ tác động nhẹ đến khu vực Đông Á trong ngắn hạn”.

WB chỉ ra thương mại với Nhật Bản chiếm khoảng 9% tổng giá trị giao dịch thương mại nước ngoài của khu vực Đông Á. Điều này có nghĩa là tăng trưởng GDP thực của Nhật Bản giảm từ 0,25-0,5 điểm phần trăm, xuất khẩu của khu vực Đông Á sẽ giảm từ 0,75-1,5%.

Ngoài ra, chuỗi sản xuất của Đông Á bị gián đoạn cũng khiến vấn đề thương mại phức tạp hơn. Chi phí năng lượng cũng có thể tăng do các nước phải đánh giá lại chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, điều này có thể khiến các nước sản xuất năng lượng khác như Indonesia, Malaysia được hưởng lợi.

WB cho rằng về mặt tài chính, khoảng 1/4 nợ của khu vực Đông Á được tính bằng đồng yen, vì vậy, nếu đồng yen lên giá 1%, số tiền hoàn trả nợ gốc và lãi suất hàng năm của khu vực Đông Á sẽ tăng lên 250 triệu đô la Mỹ.

Thiên tai thúc đẩy đồng yen tăng mạnh do các nhà bán lẻ và doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản mua đồng yen mang về tái thiết đất nước, dẫn đến nhóm G7 phải can thiệp thị trường tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Lạm phát là rủi ro chính trong ngắn hạn

WB cũng cho rằng lạm phát là rủi ro chính trong ngắn hạn mà các nền kinh tế Đông Á phải đối mặt, các nước cần thắt chặt chính sách tiền tệ.

WB cho biết sau khi hồi phục mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế Đông Á phải đối mặt với áp lực lạm phát, bao gồm Trung Quốc và Malaysia. Báo cáo lưu ý: “Cuộc chiến chống lạm phát trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong ngắn hạn của các nền kinh tế Đông Á”.

WB cho biết thêm: “Nguyên nhân đưa đến việc đề nghị khu vực này thắt chặt chính sách tiền tệ bao gồm tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các nước Đông Á so với trước khủng hoảng tài chính thậm chí còn mạnh hơn, giá tài sản tiếp tục tăng”.

Báo cáo dự kiến tăng trưởng GDP của các nước đang phát triển tại Đông Á năm 2011, trừ Trung Quốc, khoảng 5,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm ngoái là 6,7%. Trong khi đó, GDP của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể tăng trưởng 9% trong năm nay, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 10,3% hồi năm ngoái.

(theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới