WB nói gì về chính sách kinh tế của ông Trump?
Phúc Minh
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Hkyew |
(TBKTSG Online) – Báo cáo công bố ngày 21-2 của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra chủ nghĩa bảo hộ và sự bất ổn trong các chính sách kinh tế đang làm chậm tốc độ tăng trưởng thương mại, phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.
Theo báo Financial Times, mặc dù không nhắc tên ông Trump nhưng báo cáo của WB nhấn mạnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và các nguy cơ trong việc rút khỏi các hiệp định thương mại – những vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang triển khai.
Báo cáo nêu bật tình trạng mong manh của hoạt động thương mại – một trong những động cơ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu – trong giai đoạn hiện nay.
Báo cáo cũng cho rằng việc chính quyền Mỹ cố gắng buộc doanh nghiệp mang các chuỗi cung ứng toàn cầu trở về Mỹ có thể làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng năng suất.
Năm 2016: tăng trưởng thương mại giảm chủ yếu do bất ổn trong chính sách kinh tế
Trong 5 năm qua, tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức thấp. Theo số liệu của WB, năm 2016, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 1,9% – chậm nhất kể từ năm 2009, một năm sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng trưởng thương mại giảm ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Nhóm nghiên cứu của WB phát hiện nguyên nhân khiến tăng trưởng thương mại của các nước giảm một phần do xu hướng chung như tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước chậm lại và giá hàng hóa giảm.
Tuy nhiên, năm 2016 ghi nhận sự thay đổi đáng kể nhất chính là sự bất ổn trong các chính sách kinh tế tăng vọt. Theo tính toán của WB, nếu tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu giai đoạn 2015-2016 giảm 0,8 điểm phần trăm thì tình trạng bất ổn chính sách kinh tế phải "chịu trách nhiệm" đến 0,6 điểm phần trăm trong đó.
Ảnh hưởng của những bất ổn sẽ tiếp tục
Nhóm nghiên cứu của WB đưa ra các số liệu tính toán căn cứ vào một nghiên cứu về mối quan hệ giữa thương mại và sự bất ổn của chính sách kinh tế tại 18 nước trong 30 năm. Họ dự báo ảnh hưởng của những bất ổn này sẽ còn tiếp tục trong năm 2017.
"Trong tình trạng sự bất ổn của các chính sách kinh tế vẫn ở mức cao, chúng tôi có thể tiếp tục dự báo tăng trưởng thương mại (toàn cầu) tiếp tục thiếu lực đẩy" – đồng tác giả của bản báo cáo, nhà nghiên cứu Michele Ruta, cho biết.
“Nên duy trì và mở rộng phạm vi của các hiệp định thương mại”
Nhóm nghiên cứu của WB cũng tìm cách lượng hóa tác động của hiệp định thương mại đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu. Theo tính toán của họ, trong giai đoạn 1995-2014, tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới đạt 6,53%. Họ phát hiện nếu không có thành viên mới (trong đó có Trung Quốc) gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hoặc không có các hiệp định thương mại mới được ký, thương mại toàn cầu chỉ tăng trưởng 4,76% mỗi năm.
Những thập kỷ gần đây, hệ quả của việc gia tăng các hiệp định thương mại chính là các chuỗi cung ứng toàn cầu hình thành. Các chuỗi cung ứng này được các nhà kinh tế coi là làm cho doanh nghiệp hiệu quả hơn và nâng cao năng suất.
Tuy nhiên, ông Trump và chính quyền do ông lãnh đạo cho biết muốn phá vỡ những chuỗi cung ứng quốc tế, chuyển các hoạt động liên quan về Mỹ. "Mang các nhà máy lắp ráp ở nước ngoài về Mỹ, về dài hạn không có lợi cho nền kinh tế Mỹ" – một trong những cố vấn thương mại hàng đầu của Mỹ, ông Peter Navarro, nói với báo Financial Times vào tháng trước.
Theo nhóm nghiên cứu WB, việc mang các chuỗi cung ứng về Mỹ cùng với việc dỡ bỏ các hiệp định thương mại thúc đẩy thiết lập các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm suy yếu tốc độ tăng trưởng năng suất của Mỹ. "Duy trì và mở rộng phạm vi của các hiệp định thương mại, chứ không phải rút khỏi các cam kết hiện có, sẽ giúp tăng năng suất" – các nhà kinh tế của WB viết.