WB: Việt Nam nên có quy hoạch đầu tư cả nước
Thu Nguyệt thực hiện
![]() |
Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2010. Ảnh: Thu Nguyệt |
(TBKTSG Online) – Việt Nam phải có quy hoạch đầu tư toàn quốc, thống nhất và liên kết với nhau, để từ đó các nhà tài trợ có các điều phối tốt hơn, tránh lãng phí vốn đầu tư, nguồn lực.
Đó là ý kiến của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Bên lề Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam 2010 khai mạc ngày 9-6 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, bà Kwakwa đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề hiệu quả vốn ODA tại Việt Nam.
TBKTSG Online: Bà đánh giá thế nào về hiệu quả thực hiện các dự án ODA do WB tài trợ cho Việt Nam trong những năm qua?
– Bà Victoria Kwakwa: Với những dự án chúng tôi tài trợ tại Việt Nam đều có nhóm đánh giá độc lập kết quả của các dự án. Và chúng tôi thấy, trong những năm qua, kết quả thực hiện dự án của Việt Nam đều thành công và mang lại hiệu quả cụ thể cho người dân. So với một số nước, hiệu quả thực hiện các dự án ODA của Việt Nam là khá tốt vì Việt Nam có kinh nghiệm thực hiện các dự án tài trợ này.
Theo bà, làm cách nào Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn nữa các dự án ODA?
Tham gia hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và đại diện của các nhà tài trợ ODA cho Việt Nam, như Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản, Liên hiệp quốc,… Hội nghị là cơ hội để các nhà tài trợ cho Việt Nam đưa ra những đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển bền vững cho giai đoạn 5 và 10 năm tới. |
– Điều đầu tiên tôi nghĩ Việt Nam phải cố gắng hơn nữa để điều phối các nỗ lực phát triển. Hiện Việt Nam có nhiều tỉnh và các tỉnh này đều muốn có dự án riêng. Vì thế cần phải có các dự án khu vực chung, ví dụ như toàn khu vực ĐBSCL phải có quy hoạch thu hút vốn ODA để chia sẻ các cơ sở vật chất giữa các tỉnh, các khu vực với nhau. Trên bình diện cả nước, Việt Nam phải có quy hoạch đầu tư toàn quốc, thống nhất và liên kết với nhau, để từ đó các nhà tài trợ có các điều phối tốt hơn.
Thứ hai, tôi nghĩ Việt Nam nên có thể chế tốt hơn để quản lý thực hiện, sắp xếp các dự án. Vì hiện cứ mỗi một dự án được thực hiện lại có một ban quản lý dự án được lập nên, như thế sẽ gây lãng phí nguồn lực.
Thứ ba là Việt Nam nên có những chuẩn bị tốt hơn để các dự án có thể được thực hiện nhanh hơn.
Quan tâm lớn nhất của các nhà tài trợ trong hội nghị này là gì, thưa bà?
– Việt Nam có mối quan hệ đối tác tốt với các nhà tài trợ trên thế giới. Chúng tôi gặp nhau ở đây để tiếp tục thảo luận về những tiến bộ của Việt Nam và cần làm gì để Việt Nam phát triển tốt hơn nữa. Chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam phải cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về kinh tế vĩ mô và giải thích rõ ràng về các chính sách của mình. Có như thế người dân mới tự tin vào sự điều hành của chính phủ, tạo ra sự tự tin cho thị trường, cho các nhà tài trợ ODA.
Xin cám ơn bà!