Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

WHO công bố đại dịch, Mỹ cấm người châu Âu nhập cảnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

WHO công bố đại dịch, Mỹ cấm người châu Âu nhập cảnh

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Trước đà lây lan của dịch bệnh Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, Mỹ tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài từ 26 nước châu Âu thuộc khối thị thực chung Schengen trong 30 ngày.

Giới doanh nghiệp Mỹ lên phương án ứng phó dịch Covid-19

Tổng thống Trump tìm cách cân bằng giữa chống dịch với bảo vệ nền kinh tế

WHO công bố đại dịch, Mỹ cấm người châu Âu nhập cảnh
Tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 11-3, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) tuyên bố, Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Ảnh: Getty

WHO tuyên bố đại dịch khi số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc tăng nhanh

Hôm 11-3, phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu sau khi dịch bệnh này đã lan rộng ở châu Á, Trung Đông, châu Âu và Mỹ.

“Trong hai tuần qua, số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số nước bị ảnh hưởng cũng tăng gấp 3”, ông nói.

Ông dự báo trong thời gian tới, số ca nhiễm, ca tử vong và nước bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tăng. Ông ghi nhận một số nước đã khống chế và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời phê phán một số lãnh đạo khác trên thế giới đã không hành động đủ nhanh chóng và quyết liệt để khống chế đà lây lan của dịch bệnh.

Ông nói: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc về cả mức độ lây lan và tính nghiêm trọng của dịch Covid-19 cũng như mức độ thờ ơ đáng báo động”.

Trong khi đó, số ca nhiễm ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã giảm mạnh và có 51 nước có dưới 10 ca nhiễm.

Dịch Covid-19, khởi phát từ TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái và đến nay đã lây lan rộng khắp thế giới. Cuối tháng 1, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế về dịch Covid-19 khi mới chỉ có chưa đến 30 ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc.

Đà lây lan virus Covid-19 vẫn rất nghiêm trọng. Tính đến 14 giờ hôm nay, ngày 12-3, tổng số ca nhiễm và tử vong ở Ý, ổ dịch lớn nhất châu Âu, lần lượt là 12.462 và 827. Trong khi đó, số ca nhiễm ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha đều trên dưới 2.000. Các nước châu Âu khác gồm Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Anh có số ca nhiễm từ 400-600.

Việc WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu có thể thúc bách các chính phủ lên kế hoạch ứng phó cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp khác như hạn chế đi lại.

Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO tin tưởng rằng dịch Covid-19 vẫn có thể kiểm soát dựa vào kinh nghiệm ứng phó dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết hôm 11-3, số ca nhiễm ở Trung Quốc chỉ tăng thêm 15 người, trong đó có 6 ca nhiễm đến từ nước ngoài. Riêng tại tỉnh Hồ Bắc, số ca nhiễm chỉ tăng thêm 8, lần đầu tiên giảm xuống một con số kể từ khi tỉnh này báo cáo số liệu ca nhiễm hàng ngày. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 11, nâng tổng số ca tử vong ở Trung Quốc lên 3.169.

Mỹ cấm nhập cảnh từ 26 nước Âu trong 30 ngày

Mức giảm 5,9% đưa chỉ số Dow Jones rơi về còn 23.553,22 điểm, tức giảm 20,3% so với mức đóng cửa kỷ lục 29.551,42 điểm được thiết lập vào ngày 12-2. Ảnh: AP

Trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào tối 11-3, Tổng thống Donald Trump cho biết bắt đầu từ nửa đêm ngày 13-3, Mỹ sẽ cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài đến từ châu Âu, ngoại trừ Anh trong 30 ngày.

Ông chỉ trích châu Âu không hành động mạnh mẽ để ứng phó dịch bệnh, khiến nhiều ổ bùng phát dịch Covid-19 ở Mỹ xảy ra do lây nhiễm từ du khách châu Âu.

Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Đây là nỗ lực quyết liệt và toàn diện nhất để đối đầu với “virus ngoại” trong lịch sử hiện đại", Tổng thống Trump nói khi ám chỉ đến virus Covid-19.

"Tôi tin tưởng rằng bằng cách dựa vào và tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn, chúng ta sẽ làm suy yếu đáng kể mối đe dọa này đối với công dân Mỹ và chúng ta sẽ nhanh chóng đánh bại virus này”, ông nói tiếp.

Ông thông báo các công ty bảo hiểm đã đồng ý chi trả phí xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ, đồng thời cố gắng trấn an người dân và các thị trường khi nói rằng: “Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính. Đây chỉ là khoảng khắc tạm thời mà đất nước chúng ta và thế giới sẽ cùng vượt qua”.

Ông cho biết sẽ ủy quyền cho Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ cung cấp các khoản vay trị giá 50 tỉ đô la Mỹ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh. Động thái này cho phép các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục trả lương cho nhân viên nếu họ bị cách ly hoặc phải nhập viện điều trị do nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, khoản vay trên cần được Quốc hội Mỹ thông qua.

Tổng thống Trump nói ông đang chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ xem xét hoãn nộp thuế mà không tính lãi suất cho một số cá nhân và doanh nghiệp bị dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề. Ông cho biết quyết định này sẽ giúp bơm hơn 200 tỉ đô la vào nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên sau đó trong văn bản chính thức về lệnh cấm trên, Bộ An ninh Nội địa nói rõ thêm là lệnh cấm nhập cảnh được áp dụng với người nước ngoài có lưu trú tại 26 nước châu Âu thuộc khối thị thực chung Schengen (cho phép đi lại tự do, không cần hộ chiếu giữa các nước này) trong vòng 14 ngày trước khi có kế hoạch đến Mỹ.

Như vậy, lệnh cấm nhập cảnh này không ảnh hưởng các nước châu Âu khác không nằm trong khối thị thực chung này như Anh, Ireland, Croatia, Romania, Bulgaria, Serbia, Bosnia and Herzegovina, Montenegro, Albania, Kosovo, North Macedonia, Moldova, Ukraine và Belarus.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump cũng gợi ý rằng sẽ xem xét hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu nhưng sau đó, Nhà Trắng đính chính lại rằng lệnh cấm chỉ áp dụng với con người, chứ không áp dụng với hàng hóa.
Bài phát biểu hiếm hoi từ Phòng Bầu dục gửi đến người dân trên cả nước của ông Trump được đưa ra khi chính quyền của ông vấp phải với những chỉ trích gay gắt vì phản ứng có phần do dự và thiếu quyết liệt của Nhà Trắng đối với dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Trong phiên giao dịch hôm 11-3, thị trường chứng khoán Mỹ lại nhuốm màu đỏ rực với chỉ số Dow Jones giảm 1.464,94 điểm (5,86%) sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu nhưng Nhà Trắng vẫn chưa thống nhất được gói kích thích kinh tế.

Mức giảm gần 5,9% đưa chỉ số Dow Jones rơi về còn 23.553,22 điểm, tức giảm 20,3% so với mức đóng cửa kỷ lục 29.551,42 điểm được thiết lập vào ngày 12-2.

Như vậy, chỉ số Dow Jones đã bước vào chu kỳ con gấu (chu kỳ giảm điểm), được xác định khi giá trị bị sụt giảm 20% trở lên. Với mức giảm gần 5% vào hôm qua, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite cũng tiến sát chu kỳ con gấu do đã giảm 19% so với các mức đỉnh kỷ lục.

Tại châu Á, vào lúc 12 giờ 30 trưa nay, theo giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 3,75% và chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,29%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite và chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) lần lượt giảm 1,66% và 3,7%.

Dù các thị trường chứng khoán giảm điểm nhưng giá vàng không tăng. Chốt phiên giao dịch 11-3, giá vàng tương lai trên sàn Comex ở New York giảm 0,2%, về mức 1.642,3 đô la/ounce, kéo dài đà giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp. Các phân tích nhận định giới đầu tư đang bán vàng để trả những khoản vay kí quỹ (margin) khi giá trị danh mục cổ phiếu của họ giảm mạnh.

Theo Reuters, CNBC, Tech Crunch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới