WHO: không nên dùng từ “cúm heo”
Thái Bình
![]() |
Không có mối liên quan trực tiếp nào giữa việc ăn thịt heo với bệnh cúm ở người. Ảnh AP |
(TBKTSG Online) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm nay công bố sẽ không dùng từ “cúm heo” (swine flu) để chỉ nạn dịch đang hoành hành nhằm tránh tình trạng hiểu lầm gây tai họa cho đàn heo.
Thay vì vậy, dịch cúm đang diễn ra sẽ được gọi thống nhất là “cúm A H1N1”, theo hai thành phần gen chủ yếu của vi rút gây bệnh. WHO cũng đề nghị các nhà báo trên khắp thế giới ngưng sử dụng từ “cúm heo” để chỉ nạn dịch.
Sự thay đổi tên gọi này xảy ra sau khi Ai Cập tiêu hủy 300.000 con heo hôm thứ Tư vừa qua mặc dù nước này chưa có ca nhiễm cúm nào và không có bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa bệnh cúm và đàn heo.
Trước đó hôm thứ Tư, chính phủ Mỹ cũng thay đổi tên gọi của bệnh cúm vì lo ngại tác động tâm lý sẽ gây phương hại cho ngành chăn nuôi và kinh doanh thịt heo có giá trị tới 97 tỉ đô la của nước này. Bộ Y tế Mỹ đề nghị các nhà báo gọi dịch cúm đang xảy ra là “cúm H1N1 năm 2009”.
Phát ngôn viên của WHO, Dick Thompson, cho biết ngành nông nghiệp và cơ quan lương thực Liên hiệp quốc đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc rằng từ “cúm heo” sẽ làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn và khiến nhiều quốc gia ra lệnh tiêu hủy đàn heo, cấm buôn bán, nhập khẩu thịt heo… là những động thái không cần thiết và tai hại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu y khoa cho rằng, đổi tên không làm thay đổi bản chất của sự việc. Trong 8 phần tử di truyền (segment) của vi rút H1N1 đang hoành hành có 6 phần tử là vi rút gây bệnh cúm cho heo, 1 cho người và 1 cho gia cầm và chủng vi rút H1N1 này đã tồn tại trong đàn heo hàng chục năm nay. Vì thế giới khoa học vẫn tiếp tục đi theo hướng thúc đẩy kháng thể trong cơ thể người chống lại vi rút gây cúm heo.
Từ Paris, Tổ chức thế giới về sức khỏe động vật (WOAH) tuyên bố “không có bằng chứng về bệnh cúm ở heo, con người bị nhiễm vi rút trực tiếp từ con heo hoặc nhiễm bệnh vì ăn thịt heo”, cho nên việc tiêu hủy đàn heo “không giúp bảo vệ cộng đồng hoặc sức khỏe của đàn gia súc”. Nga, Trung Quốc, Ukraine và một số nước khác đã cấm nhập khẩu thịt heo từ Mexico và Mỹ.
WHO cho biết trong ngày hôm qua thứ Năm 30-4, số ca nhiễm cúm H1N1 trên toàn thế giới là 257, số ca bệnh tại Mexico tăng từ 26 lên 97 với 7 người chết, tại Mỹ hiện có 109 ca nhiễm, 1 người chết; các nước khác gồm Canada 34 ca, Tây Ban Nha 13 ca, Anh 8 ca, Đức và New Zealand mỗi nước 3 ca, Israel 2 ca, Áo, Thụy Sĩ và Hà Lan mỗi nước 1 ca. Nhưng ở các nước này chưa có trường hợp tử vong nào.
Hôm qua thứ Năm, WHO cũng nâng mức cảnh báo dịch cúm lên cấp độ 5 nghĩa là đại dịch đang bắt đầu hoành hành. Đồng thời WHO cũng đã xuất kho 2 triệu liều thuốc chống cúm Tamilflu, phân bổ về các văn phòng WHO ở các khu vực để cung cấp cho những nước nào cần thuốc.
(theo AP)