(KTSG Online) – Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 4,8% trong năm nay, cao hơn 1% so với dự báo được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra.
- ADB lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng chậm lại
- Tăng trưởng GDP phụ thuộc vào biến số Covid-19
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ mùa thu năm 2021 của Ngân Hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết trăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ở mức 4,8% trong năm nay, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý 3 và biện pháp cách ly dần được nới lỏng trong quý 4. Còn kinh tế toàn cầu duy trì đà hồi phục, đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ với hàng xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.
Dự báo lần này của WB tương tự dự báo được tổ chức này đưa ra tại báo cáo cập nhận tình hình kinh tế Việt Nam tháng 8-201, nhưng cao hơn 1% so với dự báo được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 22-9.

WB cho biết Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đẩy nhanh và mở rộng chiến dịch tiêm chủng, nhưng sự xuất hiện của các biến chủng virus mới có thể khiến hoạt động của nền kinh tế tiếp tục gián đoạn. Ngoài ra, tốc độ tiêm chủng vaccine giữa các địa phương hiện chưa đồng đều do nguồn cung đang được ưu tiên cho những vùng đang có nguy cơ cao.
Còn việc cung cấp các hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của các hộ gia đình ở khu vực đô thị có mật độ cao sẽ trở thành thách thức ngày càng lớn nếu phải tiếp tục kéo dài hoặc mở rộng cách ly xã hội.
Những yếu tố này, theo WB, có thể khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Đồng thời, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương gồm người nhập cư, phụ nữ, người lao động ở khu vực phi chính thức, người nghèo.
“Nếu đợt dịch bùng phát vào tháng 4 vừa qua không sớm được kiểm soát, những biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng và ảnh hưởng hơn nữa đến tình trạng nghèo và bất bình đẳng”, WB nhấn mạnh.
Với khu vực tài chính, tổ chức này cảnh báo rủi ro nợ xấu ngày càng cao. Với kinh tế vĩ mô, một số rủi ro có thể xảy ra gồm: quá trình phục hồi bất định tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU; sự gia tăng cạnh tranh với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam do một số quốc gia có hoạt động sản xuất bật dậy mạnh mẽ hơn.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, WB kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các nguồn lực để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng, đặc biệt nếu những rủi ro đó gia tăng. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng mức hỗ trợ và cải thiện việc triển khai các chương trình hỗ trợ bằng tiền để tiếp cận nhiều hơn những hộ gia đình, người lao động ở khu vực phi chính thức trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao, đòi hỏi phải thực hiện các biện giáp giãn cách xã hội.
Theo WB, gói hỗ trợ đợt hai cho các hộ gia đình với quy mô 26.000 tỉ đồng đã bổ sung thêm các nhóm lao động bị ảnh hưởng. Ngoài ra, số tiền hỗ trợ cho các cá nhân cũng cao hơn, nhưng tần suất hỗ trợ bằng tiền hiện chỉ giới hạn ở hỗ trợ một lần thay vì hỗ trợ trong nhiều tháng như đợt tháng 4-2020.