Chủ Nhật, 11/06/2023, 02:41
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


World Cup, ái quốc và cơm áo gạo tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

World Cup, ái quốc và cơm áo gạo tiền

Chính Phong

(TBKTSG Online) – Bạn sẽ ủng hộ đội nào tại World Cup? Đó là câu hỏi dễ trả lời với nhiều người. Người Anh cổ vũ tuyển Anh. Người Iran ủng hộ tuyển Iran. Tuyển Ý và Hà Lan không được dự World Cup 2018, dân họ ít chú ý đến giải đấu hơn. Tuyển Mỹ không được dự World Cup, một số dân của họ sẽ cổ vũ những đội có liên hệ với tổ tiên nòi giống của mình.

World Cup, ái quốc và cơm áo gạo tiền
Suy thoái kinh tế, bê bối tham nhũng ở mọi ngành, rồi xuống đường biểu tình, mới đây nhất là cuộc bãi công của những người lái xe tải vì giá xăng dầu tăng vọt khiến nhiều người không còn bụng dạ gì để vui mừng với trái bóng hay tự hào với đội tuyển bóng đá Brazil nữa.

Bóng đá không chỉ là bóng đá, mà nó còn là lòng ái quốc. Câu này không sáo rỗng đâu. Người Mỹ chẳng hạn, họ xem bóng đá không phải vì đó là môn chơi hay ho, có nhiều ngôi sao, mà vì họ ái quốc. Tại World Cup 2014, khi đội Mỹ đá trận mở màn với đội Bồ Đào Nha, 18,2 triệu người đã mở kênh ESPN lên xem trực tiếp, một kỷ lục truyền hình đối với một trận bóng đá. Nhưng World Cup 2018, không có đội Mỹ, trận đấu được xem là hay nhất từ đầu giải đến giờ giữa Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha chỉ thu hút được hơn 3 triệu khán giả Mỹ xem trực tiếp qua kênh Fox Sports.

World Cup 2006 tổ chức tại Đức được người Đức rất tự hào, họ xem đó là một sự kiện tuyệt hảo để quảng cáo nước Đức mới đầy cởi mở, năng động, đa sắc tộc ra bên ngoài thế giới. Đến World Cup 2014, khi tuyển Đức vô địch, tình ái quốc dâng cao lên cực điểm, khi không chỉ có những người gốc gác ở Đức lâu năm tự hào, mà còn những người mới nhập cư không lâu cũng tự hào là người Đức, là thành tố trong xã hội Đức. Bởi tuyển Đức có những đứa con nhập cư của họ: Jerome Boateng gốc Ghana, Sami Khedira gốc Tunisia, Mesut Ozil gốc Thổ Nhĩ Kỳ…

Lùi về trước, chiến thắng của đội Ý tại World Cup 1934 được Benito Mussolini lấy để tuyên truyền cho sự ưu việt của chủ thuyết của ông ta. Tây Ban Nha vô địch Euro 1964 được xem là mang dấu ấn của tướng độc tài Francisco Franco. Cúp vô địch của đội tuyển Argentina tại World Cup 1978 cũng trở thành công cụ tuyên truyền của chính phủ quân sự nước này hồi đó…

Nhưng thế giới ngày càng phẳng, bóng đá không còn tác dụng “ru ngủ” như trước nữa. Niềm vui trên sân cỏ đâu đó chỉ là thoáng chốc so với nỗi lo cơm áo gạo tiền triền miên. Lấy Brazil làm thí dụ. Thường thì đất nước hơn 200 triệu dân “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” này rất tự hào với đội tuyển chưa bao giờ vắng mặt tại một kỳ World Cup và đã 5 lần vô địch World Cup của họ. Mỗi kỳ World Cup là một ngày hội, với hai màu xanh vàng quốc kỳ phủ kín phố phường.

Rồi suy thoái kinh tế, bê bối tham nhũng ở mọi ngành, rồi xuống đường biểu tình ở Brazil, mới đây nhất là cuộc bãi công của những người lái xe tải vì giá xăng dầu tăng vọt khiến nhiều người không còn bụng dạ gì để vui mừng với trái bóng hay tự hào với đội tuyển bóng đá Brazil nữa. Thậm chí nhiều người xem World Cup 2018 như là dịp bày tỏ sự bất mãn.

Trong một khu lao động ở thành phố Teresina thuộc bang phía đông bắc Piaui, người ta có thể thấy cờ Đức, cờ Argentina treo đầy ở đó. Đức là đội đã hạ nhục tuyển Brazil 7-1 tại trận bán kết World Cup 2014. Argentina là đối thủ truyền kiếp của bóng đá Brazil.

Anh Raimundo Pereira Junior, 35 tuổi, vận động những người hàng xóm quyên tiền mua sơn để vẽ những bức tranh cổ động Lionel Messi và đội tuyển Argentina dọc các bức tường trên đường số 8. Anh nói anh và những người hàng xóm cổ vũ Argentina – đất nước anh chưa từng đặt chân tới – để thể hiện sự phản đối của họ đối với giới chức. “Đất nước này đang vỡ vụn, tôi cảm thấy hổ thẹn khi sống ở đây”, anh nói. Thực ra, sự bất mãn này đã dâng cao ở Brazil năm 2014, khi họ tổ chức World Cup.

“Tôi không bao giờ mặc chiếc áo của đội tuyển nữa”, bà Angela de Siqueira, 62 tuổi, giáo sư đại học về hưu ở thành phố Rio de Janeiro nói. Tham nhũng tràn lan khiến những người như bà Sequeira chán nản, đặc biệt ngay cả trong bóng đá. Tháng 12 năm ngoái, cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil Jose Maria Marin bị kết tội gian lận, rửa tiền và đang chờ phán xét trong một nhà tù ở Mỹ. Tháng 4 năm nay, người kế nhiệm của ông ta là Marco Polo del Nero bị FIFA cấm hoạt động bóng đá suốt đời vì nhận hối lộ.

Tại Đức, không khí ái quốc gắn với bóng đá không còn hăng say như trước nữa. Chính sách tị nạn nhân đạo của bà Thủ tướng Angela Merkel bị một bộ phận không nhỏ ở nước Đức chỉ trích, xem như là vật cản đối với sự bền vững kinh tế ở nước này. Bởi vậy mà trong trận đấu giao hữu trước World Cup 2018 của đội Đức, các cổ động viên đã la ó phản đối hai cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mesut Ozil và Ilkay Gundogan vì đã bày tỏ sự thân thiết đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Bóng đá, World Cup là niềm vui, nhưng nó không có phép màu nhiệm để giải quyết tất cả các vấn đề. Và nó không có nghĩa vụ như vậy.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới