Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xã hội phải trả giá cho những doanh nghiệp như ALC II

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xã hội phải trả giá cho những doanh nghiệp như ALC II

Hoàng Long

(TBKTSG) – Sau hơn một tháng nỗ lực rà soát, cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát, Chính phủ mới bước đầu cắt giảm được 1.387 dự án, nhưng tổng chi phí chỉ vỏn vẹn gần 3.400 tỉ đồng.

Trong khi đó, chỉ riêng Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(Agribank), đã kinh doanh thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng.

Chính những doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ như ALC II đã góp phần không nhỏ đẩy cả nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn, với muôn vàn khó khăn và khiến cho cả xã hội phải trả giá.

Hiện Việt Nam chỉ còn lại khoảng 1.500 doanh nghiệp nhà nước, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với gần 400.000 doanh nghiệp tư nhân và công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng lượng tài sản mà khối doanh nghiệp này nắm giữ lại không nhỏ, chiếm đến 40% tổng vốn kinh doanh và tài sản cố định của cả nền kinh tế.

Thế nhưng, những gì mà các doanh nghiệp nhà nước làm được cho nền kinh tế lại không tương xứng với những lợi thế được Nhà nước trao cho. Chẳng hạn, để tạo ra được một đơn vị giá trị gia tăng, các doanh nghiệp nhà nước phải đầu tư số vốn nhiều gấp 2,23- 2,44 lần so với khu vực tư nhân. Số vốn đầu tư cần thiết để tạo ra được một việc làm cho xã hội cũng nhiều hơn doanh nghiệp tư nhân và công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến 40- 53%. Doanh nghiệp nhà nước được xác định là đóng vai trò chủ đạo của kinh tế quốc gia, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

Trong hơn một năm, Việt Nam đã chứng kiến hai vụ làm ăn thua lỗ, gây thất thoát rất lớn của hai doanh nghiệp nhà nước là Vinashin và ALC II. Không biết rồi đây có còn vụ nào tương tự xảy ra nữa không?

Điều này sẽ là khó tránh khỏi, nếu cơ chế quản lý và giám sát tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp tiếp tục bất cập và lúng túng như hiện nay. Rà soát, cắt giảm, nâng cao hiệu quả đầu tư công là giải pháp đúng để chống lạm phát, nhưng vẫn chưa đủ. Chừng nào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện, ít nhất là bằng với khu vực kinh tế tư nhân, thì mọi sự ổn định vĩ mô mà chúng ta đạt được bằng các giải pháp siết chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công, sẽ vẫn còn mong manh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới