Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xác định lại lợi thế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xác định lại lợi thế

Ông Ken Arakawa.

(TBKTSG) – Việt Nam cạnh tranh thu hút FDI như thế nào trong dài hạn? Xác định lại các lợi thế để xây dựng chiến lược cạnh tranh quốc gia dựa vào giới trẻ là gợi ý chính sách mà ông KEN ARAKAWA, chuyên gia tư vấn đầu tư cao cấp thuộc JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản), nhấn mạnh khi trò chuyện với TBKTSG.

Ông KEN ARAKAWA: Trong thời điểm hiện tại khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong khi một số công ty nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam do tập đoàn mẹ thu hẹp đầu tư. Cả hai lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, vốn là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua, sẽ chững lại và tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng theo.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam phải định vị lại mình và nói với thế giới rằng mình muốn tự lực để trở thành một đất nước như thế nào chứ không thể mãi phụ thuộc vào đồng vốn bên ngoài.

TBKTSG: Nghĩa là, cần xác định lại các lợi thế chứ không thể tiếp tục dựa vào nhân công giá rẻ?

– Đúng vậy. Nhà đầu tư nước ngoài chủ động đến Việt Nam thuê lao động bản địa với chi phí thấp hơn nhiều so với ở nước họ để làm ăn. Nhưng, từ nay Việt Nam phải thay đổi hình ảnh là nơi cung cấp nhân công rẻ, phải cho thế giới thấy các bạn không chỉ cạnh tranh bằng lợi thế này.

Trước nay Việt Nam kêu gọi vốn FDI khá đơn giản, kiểu như tôi có một địa điểm rất đẹp, với nhiều chính sách ưu đãi từ địa phương, lao động giá rẻ như thế này, mời các anh đến khai thác tài nguyên thô của chúng tôi. Phải thay đổi.

Và quan trọng nhất là các dự án FDI phải có lợi cho nền kinh tế thì mới cấp phép, vì vốn nước ngoài là để phục vụ phát triển kinh tế. Tôi ví dụ, cân nhắc giữa một dự án sân golf và một dự án bệnh viện quốc tế thì nên chọn dự án nào, tính toán lợi, hại của dự án với quy hoạch kinh tế địa phương, kinh tế vùng ra sao…

TBKTSG: Thế còn vai trò của FDI với quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam?

– Tôi biết các bạn có tham vọng trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, tuy nhiên ý kiến của tôi là nên đưa ra các mục tiêu cụ thể hơn và xây dựng lộ trình thực hiện, ví dụ như trở thành nước công nghiệp theo mô hình nào, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn gì.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải “khó tính” hơn nữa trong thẩm định cấp phép, đặc biệt cần nâng cao tính giám sát của bộ đối với quá trình phân cấp đầu tư tại các địa phương. Đừng để một tỉnh có tới 13 dự án xin làm sân golf, hay nhiều nơi lấy đất trồng lúa của nông dân giao cho nhà đầu tư chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí của một nhóm người mà làm lao đao cuộc sống bao dân nghèo.

Theo tôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải “khó tính” hơn nữa trong thẩm định cấp phép, đặc biệt cần nâng cao tính giám sát của bộ đối với quá trình phân cấp đầu tư tại các địa phương. Đừng để một tỉnh có tới 13 dự án xin làm sân golf, hay nhiều nơi lấy đất trồng lúa của nông dân giao cho nhà đầu tư chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí của một nhóm người mà làm lao đao cuộc sống bao dân nghèo.

Ngoài ra, phải nghiên cứu xem lĩnh vực nào Việt Nam còn thiếu và yếu, rồi xây dựng chiến lược ưu tiên hút vốn FDI trong ngành ấy. Lấy ví dụ, thay vì cấp phép ồ ạt cho các dự án bất động sản hay resort, tại sao không mời nhà đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam đang rất cần, như công nghệ cao, hạ tầng giao thông vận tải hay điện lực?

TBKTSG: Nghĩa là Việt Nam chưa chủ động, chưa biết mình cần gì và được gì trong các dự án FDI?

– Đúng. Nếu biết chủ động và khéo léo hơn Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, kể cả nguồn nhân lực, để phát triển công nghiệp nặng hay cải thiện hệ thống hạ tầng và giao thông đô thị rồi dần dần chuyển giao công nghệ và học hỏi bí quyết của nước ngoài. Bài học này nhiều nước đã khôn khéo học được.

TBKTSG: Thế còn việc dùng các nguồn tài nguyên quốc gia để thu hút đầu tư?

– Hiện nay Việt Nam đang chủ yếu dựa vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản thô, đất đai và nhân công giá rẻ để mời gọi nhà đầu tư. Tôi nhấn mạnh, điều này đã đến lúc cần kết thúc vì nó không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước và người dân, thậm chí còn gây xáo trộn cho nền kinh tế.

TBKTSG: Hiện Việt Nam đang muốn tận dụng vốn nước ngoài để xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu, theo ông cần làm gì?

– Muốn sản xuất tàu biển và phát triển ngành đóng tàu thì phải có sắt thép và xây dựng các nhà máy sản xuất thép, rồi phải học được bí quyết công nghệ đóng tàu và kỹ thuật hàn hiện đại, đào tạo kỹ sư và công nhân giỏi, phát triển các ngành phụ trợ… Như thế, bản thân nó đòi hỏi một sự nỗ lực tương tác rất lớn và sự chuyển động này sẽ tạo ra cú hích cho rất nhiều ngành kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nhiều vùng. Đáng tiếc là từ trước đến nay các bạn mới chỉ tập trung vào phần lắp ráp, gia công và đã đến lúc Việt Nam phải tự sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng của Việt Nam, giống như các sản phẩm “chế tạo tại Nhật Bản” của chúng tôi.

Trong một bài viết gần đây tôi đã phân tích Việt Nam bây giờ có lẽ ở vào thời điểm giống như Nhật Bản thời Minh Trị, tức là cần có bước thay đổi mang tính bản lề. Các bạn thường coi “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” là ba yếu tố cần thiết để chiến thắng trong chiến tranh hay kinh doanh, nhưng các yếu tố này cần hiểu rộng hơn trong thời đại toàn cầu hóa.

TBKTSG: Tức là…?

– Tức là phải ứng biến hơn. Thực tế thì so với “thiên thời”, “địa lợi” có vị trí quan trọng hơn và so với “địa lợi” thì “nhân hòa” lại có tầm quan trọng cao hơn. Hiểu đơn giản theo cách đó, hiện tại các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần có hai yếu tố đầu là có thể kinh doanh thành công ở Việt Nam.

Song, các nước ASEAN và Trung Quốc hiện cũng ráo riết đưa ra nhiều ưu đãi mang tính “thiên thời – địa lợi” để thu hút FDI. Nếu chỉ dựa vào hai yếu tố này chưa chắc Việt Nam đã có tính cạnh tranh cao hơn.

TBKTSG: Vậy, “nhân hòa” mới là lợi thế lớn phải khai thác. Ông hiểu “nhân hòa” ra sao?

– Người Việt Nam có nhiều phẩm chất ưu việt có thể thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu này. Các bạn phải tìm ra thế mạnh ngay trong tính cách của con người Việt Nam, và tạo điều kiện để phát huy tối đa thế mạnh này. Ngược lại, các điểm yếu cản trở nội lực như thiếu tính liên kết hợp tác cần bị loại bỏ. Vì thế, nhân tố con người có thể là động lực hay rào cản cho quá trình cất cánh của Việt Nam là tùy thuộc vào chính người Việt.

TBKTSG: Liệu Việt Nam có điểm tương đồng nào so với nước Nhật thời Minh Trị?

– Tôi tin Việt Nam sẽ có một tương lai tốt đẹp như Nhật Bản. Vấn đề là nên nhìn rộng ra, xem thế giới đang dịch chuyển theo hướng nào và mình có thể làm gì trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cải cách Minh Trị lấy thế hệ trẻ làm động lực và họ đóng vai trò then chốt trong cuộc lột xác của nước Nhật.

Giới trẻ Việt Nam cũng cần được trao một vai trò tương tự. Chính họ sẽ góp phần dần thay đổi tư duy lãnh đạo và định vị một hình ảnh mới cho đất nước trên bản đồ cạnh tranh toàn cầu. Ở Việt Nam đáng mừng là thanh niên thậm chí còn đông đảo hơn.

Tôi cho rằng, điểm khởi đầu cho sự cất cánh của một dân tộc phải bắt đầu từ giới trẻ và họ phải được trao cơ hội. Khát vọng được tin tưởng, được lắng nghe, được hành động ở họ là vô cùng lớn. Có lẽ, Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến điều này. Cần có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc xem lớp trẻ nghĩ gì về tương lai đất nước, và họ muốn chèo lái Việt Nam như thế nào.

THÀNH TRUNG thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới