Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xác định những lực cản trên con đường phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xác định những lực cản trên con đường phát triển

Hà Ngọc Sơn

(TBVTSG) – Mặc dù là lĩnh vực được chú trọng đầu tư trong hàng chục năm qua tại nhiều nền kinh tế trên thế giới nhưng ở Việt Nam, thương mại điện tử mới được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và khuyến khích phát triển trong vài năm gần đây.

Riêng tại TP.HCM, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2008-2010 vào năm 2007 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Bài viết dưới đây sẽ khái quát tình hình ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử trên địa bàn thành phố dựa trên kết quả cuộc khảo sát do Cục Thống kê và Sở Công Thương TP.HCM phối hợp thực hiện trong thời gian gần đây.

Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa chính thức về “thương mại điện tử”, bởi vậy những cuộc tranh cãi xoay quanh khái niệm này vẫn chưa đi đến hồi kết. Liệu các doanh nghiệp khi sử dụng điện thoại để giao dịch với khách hàng có được xem là hoạt động thương mại điện tử hay không, hay họ phải ứng dụng các thiết bị, giải pháp công nghệ vào việc thông tin, trao đổi dữ liệu? Như vậy, có thể thấy rằng việc xác định những phương tiện điện tử nào được sử dụng trong hoạt động thương mại điện tử là một vấn đề quan trọng khi các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống chỉ tiêu cho các cuộc điều tra liên quan đến hoạt động này.

Trên thực tế, khái niệm thương mại điện tử được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây chủ yếu là các thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp và khách hàng sử dụng các công cụ giao tiếp trên môi trường Internet để đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

Các đơn vị khảo sát đã xác định việc sử dụng các công cụ giao tiếp trên môi trường Internet nhằm phục vụ hoạt động thương mại là yếu tố then chốt của hoạt động thương mại điện tử và từ đó xây dựng nên hệ thống tiêu chí điều tra dựa trên cơ sở này. Bức tranh tổng thể về thương mại điện tử của TP.HCM có thể khái quát ở hai khía cạnh cơ sở hạ tầng và giải pháp ứng dụng.

Theo kết quả cuộc điều tra trên 8.754 doanh nghiệp và 2.300 hộ gia đình ở TP.HCM, tỷ lệ doanh nghiệp có kết nối Internet là 91,6%, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp trực tuyến vào hoạt động kinh doanh như thư điện tử (e-mail), trang web chỉ chiếm 70,4%. Đối với người tiêu dùng, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet là 92,9%, song chỉ có 11,3% sử dụng công cụ này để tìm thông tin mua bán hàng hóa và dịch vụ, số còn lại sử dụng vào mục đích giải trí, học tập. Nói cách khác, cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp và người tiêu dùng thành phố ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử đã có nhưng sự quan tâm và tỷ lệ tham gia vào các giao dịch trực tuyến vẫn còn thấp.

Phần lớn các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát chỉ mới khai thác những công cụ đơn giản trên Internet để phục vụ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, 61,5% doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở việc trao đổi e-mail và chỉ có 31,7% doanh nghiệp tập trung cho việc xây dựng trang web để giới thiệu hàng hóa, dịch vụ.

Trong số những doanh nghiệp sử dụng trang web như công cụ tiếp thị hàng hóa, dịch vụ thì chỉ có 48% tiến hành cập nhật thông tin hằng ngày, 20% cập nhật hàng tuần và 32% thi thoảng mới cập nhật. Vì thế, khả năng thu hút khách hàng quay trở lại trang web của các doanh nghiệp trên là rất hạn chế. Điều này cũng phần nào nói lên tình trạng xây dựng trang web theo phong trào, chưa có chiến lược cụ thể để mở rộng kinh doanh thông qua công cụ được đánh giá là hữu hiệu này.

Đây cũng là một sự lãng phí rất lớn về tài chính nếu xét dưới góc độ hiệu quả mà nó mang lại cho nền kinh tế.Cũng theo cuộc khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đã từng giao dịch, mua bán hàng hóa qua mạng Internet hiện nay đang ở mức 30,6% và có gần 3% doanh nghiệp đã mở gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Các ngành chức năng đang kỳ vọng rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn và sẽ có kế hoạch đầu tư bài bản, lâu dài cho trang web thương mại điện tử.

Xét về mức độ “phủ sóng” của việc sử dụng các công cụ trên Internet vào toàn bộ quá trình mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cuộc khảo sát cho thấy thanh toán là khâu cần phải tập trung cải thiện trong thời gian tới, nếu không lĩnh vực thương mại điện tử của thành phố sẽ không đạt đến một quy trình khép kín. Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng và chấp nhận thanh toán trực tuyến. Mặc dù đã có 66% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng cách chuyển khoản thông qua ngân hàng (ATM, e-banking) và thanh toán bằng thẻ tín dụng, ví điện tử… tuy nhiên, mới có 34,1% người tiêu dùng chấp nhận thanh toán bằng các phương thức nêu trên.

Vậy, đâu là nguyên nhân làm cho lĩnh vực thương mại điện tử của thành phố chưa phát triển đúng mức? Đối với doanh nghiệp, có thể nói những trở ngại chính làm cho họ ngần ngại khi ứng dụng thương mại điện tử gồm: môi trường pháp lý chưa hoàn thiện (68,1%), hạ tầng kỹ thuật chưa tốt (67,7%), tập quán kinh doanh cũ (65,8%), và sự hiểu biết, nhận thức về thương mại điện tử còn thấp (63,8%)

Còn theo đánh giá của người tiêu dùng, có ba nguyên nhân chủ yếu làm họ e ngại khi tham gia vào các giao dịch trực tuyến, xuất phát từ việc không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ (38,9%), không an tâm khi thanh toán trực tuyến (33,4%) và chưa biết cách mua hàng trực tuyến (16,9%)

Ở góc độ quản lý nhà nước, kết quả trên cho thấy vấn đề trọng tâm cần giải quyết để nâng cao mức độ ứng dụng giải pháp thương mại điện tử tại TP.HCM chính là hoạt động thông tin, tuyên truyền. Nếu làm tốt công tác quảng bá những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại cùng việc thông tin về môi trường pháp lý của hoạt động này thì chắc chắn doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ hiểu đúng, tin tưởng hơn và mạnh dạn hơn khi tham gia giao dịch trực tuyến.

Và một khi dư luận xã hội đã quan tâm đến thương mại điện tử, hệ quả tất yếu là môi trường hoạt động cũng như khung pháp lý cho lĩnh vực này sẽ phải được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới