Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt mốc lịch sử 100 năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt mốc lịch sử 100 năm

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vượt mốc kỷ lục 100 năm từng xảy ra vào năm 2016. Tuy nhiên thiệt hại gây ra cho khu vực này đang ở mức khá thấp nếu so với kỳ hạn mặn lịch sử vừa qua.

ĐBSCL: Giữa mùa lũ lo chuyện hạn mặn

Mêkông cạn dòng ngay trong mùa lũ

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt mốc lịch sử 100 năm
Tuy chịu xâm nhập mặn kỷ lục, nhưng thiệt hại cho sản xuất lúa ở ĐBSCL chỉ bằng hơn 7% của năm 2016. Ảnh: Hòa Hội

Báo cáo dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL phục vụ chỉ đạo sản xuất, tuần từ ngày 7 đến 14-2-2020 của Viện khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, xâm nhập mặn thực tế trên các sông khu vực ĐBSCL đã vượt mốc lịch sử 100 năm từng xảy ra vào năm 2016.

Cụ thể, tại vùng sông Cửu Long ở sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu, xâm nhập mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 44 đến 75 km (tùy nơi), cao hơn cùng kỳ năm 2016, tức năm hạn mặn lịch sử từ 2 đến 18 km.

Còn tại sông Cái Lớn thuộc vùng ven biển Tây, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 58 km, cao hơn cùng kỳ năm lịch sử 2016 đến 13 km.

Tuy đã vượt mốc lịch sử 100, nhưng những thiệt hại đến sản xuất lúa đã giảm rất nhiều so với năm hạn mặn kỷ lục 2016.

Dự kiến có tổng cộng khoảng 79.700 hộ dân bị thiếu nước
sinh hoạt trong mùa khô năm nay, trong đó, tỉnh Bến Tre có 12.700 hộ; Sóc Trăng 24.400 hộ; Kiên Giang 20.400 hộ; Cà Mau 3.500 hộ và Tiền Giang là 2.200 hộ, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông tin được ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, tổng cộng thiệt hại đối với sản xuất lúa trong vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 là gần 29.700 héc ta. Trong đó, vụ mùa là 16.000 héc ta và đông xuân là khoảng 13.700 héc ta, bằng 7,3% so tổng cộng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000 héc ta).

Có được kết quả thuận lợi như nêu trên, ngoài việc đưa các dự án phòng chống xâm nhập mặn vào sử dụng, theo ông Tùng, việc tổ chức xuống giống sớm cũng góp phần giúp kéo giảm thiệt hại về sản xuất lúa do xâm nhập mặn.

Cụ thể, tổ chức xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày, trong đó, tập trung xuống giống từ đầu tháng 10-2019 và cơ bản kết thúc xuống giống trong tháng 12-2019 để “né” thời điểm xâm nhập mặn lên cao.

Mặt khác, theo ông Tùng, ngành nông nghiệp cũng tổ chức chuyển đổi 50.000 héc ta diện tích cây trồng trên đất lúa có nguy cơ xâm nhập mặn cao sang các loại cây trồng khác, trong đó, rau màu hàng năm là 45.300 héc ta; cây ăn quả lâu năm là khoảng 3.450 héc ta và nuôi trồng thủy sản 1.200 héc ta. “Ngoài ra, diện tích chủ động cắt vụ, giãn vụ đạt xấp xỉ 100.000 héc ta”, ông cho biết.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới