Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xăng giảm sâu, cước vận tải rục rịch giảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xăng giảm sâu, cước vận tải rục rịch giảm

Lê Anh

Xăng giảm sâu, cước vận tải rục rịch giảm
Giá cước taxi Vinasun sẽ giảm theo giá xăng. Ảnh: Lê Anh

(TBKTSG Online) – Sau khi giá xăng giảm thêm 960 đồng/lít xuống còn 13.750 đồng/lít hôm 18-2,  các doanh nghiệp vận tải (chủ yếu là xe taxi) đang tính toán để chuẩn bị giảm giá cước.

Đối với các doanh nghiệp taxi, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đại diện Tập đoàn Mai Linh cho biết, trong đợt giá xăng giảm vào tháng trước hãng đã giảm giá cước trên địa bàn TPHCM là 300 đồng/km, còn ở các địa bàn khác mức giảm từ 300 đến 500 đồng/km. Trong đợt xăng giảm giá hôm 18-2, với mức giảm gần 1.000 đồng, hãng này đang bàn bạc để giảm giá thêm. Mức điều chỉnh sẽ được tính toán dựa trên mức giảm của giá xăng.

Còn ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc hãng Vinasun, kiêm Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cũng cho biết, Vinasun cũng đang bàn bạc và cân nhắc giảm giá. Mức giảm cụ thể sau khi báo cáo Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ công bố trong tuần tới. Ông cho biết thêm, một số doanh nghiệp khác thuộc Hiệp hội cũng đang rà soát lại để kê khai lên Sở Tài chính TPHCM vào ngày 22-2.

Mặc dù giá xăng giảm sâu nhưng theo tính toán của ông Hỷ, từ đầu năm 2016 chi phí đầu vào của các hãng taxi tăng cao do hãng phải chịu thêm chi phí kiểm định do Bộ GTVT rút ngắn thời gian kiểm định xe. Hơn nữa lương tối thiểu vùng tăng dẫn đến các chi phí đóng bảo hiểm cho lái xe cũng tăng theo. “ Nếu tính đúng thì không thể giảm giá cước được, song các hãng cố gắng tính toán giảm giá cước để chia sẻ với người dân”, ông Hỷ nói.

Đối với vận tải hàng hóa, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc công ty vận tải Minh Liên cho biết, do các xe chở hàng chủ yếu sử dụng dầu diesel, trong khi đợt này chỉ có xăng giảm giá, còn dầu diesel vẫn giữ nguyên nên cước vận tải hàng hóa không có sự biến động. Giám đốc doanh nghiệp này cho biết đối với cước hàng hóa thông thường chủ hàng và nhà xe thỏa thuận khi dầu diesel giảm trên 1.000 đồng/lít thì mới giảm giá cước và mức giảm thường là tính theo chuyến.

Tương tự, đối với vận tải hành khách một số doanh nghiệp hoạt động tại bến xe miền Đông cho biết, giá cước tuyến cố định vẫn giữ nguyên do dầu diesel không giảm giá.

Ngay sau khi giá xăng giảm hôm 18-2, ngày 19-2, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các hiệp hội vận tải ô tô giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm sâu. Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục giảm. Cụ thể xăng Ron 92 giảm bốn lần với tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (tỉ lệ giảm khoảng 16%); dầu diesel 0,05S giảm ba lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (tỉ lệ giảm khoảng 20%).

Còn tại TPHCM, theo thống kê của Sở Tài chính TPHCM, sau đợt xăng giảm giá vào ngày 3-2, trên địa bàn TPHCM đã có 16/49 doanh nghiệp vận tải hành khách đăng ký tại TPHCM đã kê khai giảm giá ở mức phổ biến 3-5% (có trường hợp giảm đến 7,14%). Có 9/14 hãng taxi kê khai lại giá cước, song chỉ có 3 hãng giảm với mức giảm 1,16-2,4%, còn 6 hãng giữ nguyên.

Sau khi xăng giảm giá tiếp ngày 18-2, Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tiếp tục xem xét lại cơ cấu giá thành và nộp bản kê khai lại muộn nhất vào ngày 23-2 lên Sở Tài chính. Những doanh nghiệp nào không giảm giá cước vận tải, sở sẽ tổ chức thanh tra nếu sai phạm sẽ bị xử phạt.

Xem thêm:
Xăng giảm giá 960 đồng/lít

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới