Xây dựng kịch bản giá cả sau tháng 6
![]() |
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 2-6 – Ảnh: TTXVN |
(TBKTSG Online) – Trong phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra chiều 2-6, các bộ, ngành cho biết sẽ tiếp tục kìm giá đến ngày 30-6 và xây dựng phương án, lộ trình về giá sau tháng 6.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời báo chí về những giải pháp để bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, xi măng, sắt thép. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, hiện nay bộ đang xây dựng phương án và lộ trình về giá từ tháng 6 đến cuối năm, có tính đến ảnh hưởng do biến động giá cả đến nền kinh tế vĩ mô, trong mục tiêu hạn chế thấp nhất khó khăn cho đời sống người dân và người sản xuất.
Bộ Tài chính hiện nay vẫn đang cân nhắc, lựa chọn phương án. Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên bổ sung rằng hiện tại không có cơ sở cũng như không có chủ trương cho việc tăng giá sau ngày 30-6. Ông Biên cũng cho biết Bộ Công Thương đang cùng với các bộ, ngành xây dựng văn bản pháp luật để xem xét xử lý hành chính và các mức xử phạt cao hơn đối với các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa và tăng giá tùy tiện.
Trong cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận, qua 5 tháng đầu năm, nền kinh tế đã đạt được kết quả tích cực trên một số mặt nhưng những khó khăn hạn chế vẫn còn diễn biến rất gay gắt và phức tạp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những khó khăn nổi lên là giá cả trong tháng 5 vẫn tăng ở mức cao khiến đời sống của người dân tiếp tục gặp khó khăn. Cụ thể, chỉ số giá sau khi có dấu hiệu giảm xuống 2,99% trong tháng 3 và 2,2% trong tháng 4, đến tháng 5 lại tăng tới 3,91%.
Giá cả tăng cao trong tháng 5, nguyên nhân chủ yếu là do đột biến giá lương thực vì ảnh hưởng bởi tâm lý thiếu lương thực toàn cầu, đặc biệt là cơn sốt gạo trên diện rộng cuối tháng 4 vừa qua. Bên cạnh đó, giá vàng và ngoại tệ cũng đang có biến động lớn.
Nhập siêu của 5 tháng đã ở mức trên 14,4 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức nhập siêu của cả năm 2007 (năm 2007 nhập siêu là 14,12 tỉ đô la Mỹ, bằng 29% kim ngạch xuất khẩu) và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Theo thống kê, nhập siêu của 3 tháng đầu năm 2008 là 7,36 tỉ đô la Mỹ, bằng 56,5% kim ngạch xuất khẩu; 4 tháng đầu năm là 11,1 tỉ đô la Mỹ, bằng 60,8%; 5 tháng đầu năm là 14,4 tỉ đô la Mỹ, bằng 61,6%.
Một vấn đề nổi cộm khác là khối lượng thực hiện và việc giải ngân của các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư chậm chủ yếu do các dự án được đăng ký theo kế hoạch năm 2008 vẫn đang triển khai thi công, trong khi các dự án có các hạng mục được hoàn thành nhưng chủ đầu tư và nhà thầu đang làm thủ tục điều chỉnh giá.
Theo thông tin cung cấp tại cuộc họp báo thì trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ diễn ra ngay trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, tăng trưởng năm 2008 sẽ là 7% và làm tiền đề cho sự tăng trưởng của những năm sau. Tuy nhiên Thủ tướng cũng khẳng định, những khó khăn trên cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và sự nhìn nhận nghiêm túc những yếu kém trong công tác điều hành từ phía Chính phủ. Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục kiên trì thực hiện tám nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.
Theo đó, cả nước vừa kiềm chế lạm phát vừa duy trì phát triển bền vững. Trước hết phải tập trung giảm nhập siêu, phấn đấu bằng 30% kim ngạch xuất khẩu. Chính phủ cũng lưu ý là phải đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những khó khăn trong đời sống, hỗ trợ kịp thời không để cho bất cứ một người dân nào thiếu đói. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu một chính sách riêng hỗ trợ cho 58 huyện của các tỉnh có số hộ nghèo lên tới 50% trong một vài năm.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước phải tiến hành nhanh việc rà soát lại các công trình, dự án, xác định danh mục dự án cần phải loại bỏ hoặc giãn tiến độ đầu tư.
Theo báo cáo sơ bộ của 28 bộ, ngành trung ương và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và 8 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì đến cuối tháng 5 đã có 995 công trình, dự án đình hoãn việc triển khai hoặc giãn tiến độ thực hiện trong năm 2008 với tổng số vốn là 3.983 tỉ đồng, bằng 7,8% tổng vốn đầu tư trong nước thuộc ngân sách nhà nước năm 2008. Trong đó, số dự án đình hoãn và ngừng triển khai thực hiện là 618 dự án với tổng số vốn 1.450 tỉ đồng, giãn tiến độ 377 dự án với số vốn 2.533 tỉ đồng.
Đối với trái phiếu chính phủ, Thủ tướng cũng đang nghiên cứu đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án sử dụng vốn trái phiếu với tổng mức vốn giảm 25% so với kế hoạch được Quốc hội thông qua.
Về tỷ giá đồng Việt Nam, tại cuộc họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định tỷ giá, không biến động quá 2%. Cho đến thời điểm này, các yếu tố chính để đảm bảo tỷ giá đồng Việt Nam là dự trữ ngoại tệ và tổng cán cân thanh toán đều ổn định đảm bảo sự ổn định của đồng Việt Nam.
Về tiết kiệm chi thường xuyên thuộc ngân sách nhà nước các cấp, Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể về mức tiết kiệm 10% cùng với các khoản cần phải giảm chi như tiết kiệm xăng dầu, điện nước, hội nghị tổng kết, mua xe ô tô và sửa chữa trụ sở.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền phải được đặc biệt chú trọng, trong đó các bộ ngành phải chủ động cung cấp thông tin cho người dân và báo chí.
HẠNH LIÊN