Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây kho chứa lúa: quá nhiều vướng mắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây kho chứa lúa: quá nhiều vướng mắc

Ngọc Hùng

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu 2011. Ành: TL.

(TBKTSG Online) – Theo dự kiến đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có hệ thống kho chứa lúa với tổng tích lượng 4 triệu tấn, nhưng do những khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng cũng như phải trải qua 80 thủ tục giấy tờ khác nhau nên ít nhất phải đến cuối năm 2013 kho chứa này mới hoàn thành, nghĩa là chậm 2 năm so với dự kiến.

Nhận xét trên được nêu ra tại buổi làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh thành, các tổng công ty lương thực vào ngày 10-8 tại TPHCM để tìm cách giải quyết cho những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong việc xây dựng kho chứa 4 triệu tấn lúa ở ĐBSCL.

Ngày 2-12-2010 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quy hoạch hệ thống trữ lúa 4 triệu tấn lúa tại ĐBSCL nhằm đảm bảo nhu cầu, trữ và lưu thông 10 triệu tấn lúa/năm với mục đích chủ động trong các hợp đồng xuất khẩu gạo cũng như kiểm soát được giá xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới. Trong hệ thống kho dự trữ 4 triệu tấn lúa thì có 1,5 triệu tấn thuộc kho chứa cũ và xây dựng mới kho chứa 2,5 triệu tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, theo quy hoạch nói trên, Vinafood 2 đầu tư xây dự kho chứa với tổng tích lượng gần 966.000 tấn tại 41 địa điểm khác nhau.

“Đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ có khoảng gần 643.000 tấn, bằng 65% kế hoạch và phải đến cuối năm 2013 mới xây xong toàn bộ”, ông Nam nói.

Với Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tình hình cũng không sáng sủa hơn, theo lãnh đạo công ty này thì đến cuối năm Vinafood 1 chỉ có thể hoàn thành hệ thống kho chứa được xây mới là 190.000 tấn, trong khi tổng công ty được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông giao xây dựng kho chứa 500.000 tấn.

Ngoài phần kho do Vinafood 1 và 2 xây dựng mới, phần còn lại có tích lượng khoảng 1,2 triệu tấn do doanh nghiệp tư nhân tại các tỉnh thành xây dựng thì cũng phải đến 2013 mới xong, thậm chí, có địa phương còn xin kéo dài đến 2015.

Theo ông Nam, nếu tính từ khi công ty bắt đầu viết dự án đến khi đưa vào sử dụng kho chứa, doanh nghiệp phải hoàn thành 80 thủ tục khác nhau, thêm vào đó là giá cả, vật tư tăng trong thời gian qua đã gây khó cho doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng kho chứa lúa tại các địa phương.

Với Tổng công ty lương thực miền Bắc, nguyên nhân khiến tổng công ty không xây dựng được hệ thống kho chứa là do không vay được vốn từ ngân hàng.

Theo lý giải của tổng công ty này, để xây dựng kho, ban giám đốc phải tự đi tìm đất, tự thương lượng để giải phóng mặt bằng nhưng khi có đất thì chính quyền địa phương chỉ cho công ty thuê đất dài hạn nên tổng công ty không thể lấy diện tích đất làm kho đó để vay vốn ngân hàng.

Ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khó khăn của doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng kho chứa lúa phần lớn nằm ở cơ chế quản lý hiện nay.

“Việc xây dựng kho chứa lúa tại các địa phương sẽ giúp địa phương đó chủ động được nguồn lúa gạo cho xuất khẩu và giúp đảm bảo an ninh lương thực của từng địa phương. Do đó, các địa phương phải có chính sách riêng giúp doanh nghiệp sớm có mặt bằng”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, nhằm giải quyết khó khăn nói trên và để Việt Nam có đượckho chứ lúa có tích lượng 4 triệu tấn vào cuối năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiến nghị chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tham gia xây dựng kho chứa lúa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới