Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây mới chung cư cũ: TPHCM muốn trao quyền cho quận huyện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xây mới chung cư cũ: TPHCM muốn trao quyền cho quận huyện

Đá Bàn

Xây mới chung cư cũ: TPHCM muốn trao quyền cho quận huyện
Lô IV chung cư Thanh Đa xuống cấp nghiêm trọng phải di dời Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – TPHCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép địa phương trao quyền cho các quận huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND thành phố cũng như của các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ xây mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Rút ngắn thủ tục…

Cụ thể, thành phố sẽ ủy quyền cho UBND quận huyện thực hiện các công việc của chính quyền thành phố là: phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới thay thế chung cư cũ; công nhận chủ đầu tư; chấp thuận, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án.

Đồng thời quận huyện cũng sẽ thực hiện luôn các công việc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành như: ban hành văn bản kết luận kiểm định; tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án phá dỡ nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức lập; điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000; thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông; thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng…

Đối với chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc, các quận huyện được chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho các vị trí chung cư cũ để đảm bảo dự án triển khai hiệu quả khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm xây dựng tiêu chí về việc điều chỉnh chỉ tiêu tại các vị trí chung cư cũ cũng như việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 để UBND các quận huyện thực hiện.

Và, để không kéo dài việc thỏa thuận bồi thường, thành phố kiến nghị không áp dụng thực hiện phương thức bồi thường mà thực hiện phương thức tái định cư (tại chỗ hoặc nơi khác) theo nguyên tắc: nhà đầu tư được nhà nước lựa chọn làm chủ đầu tư có trách nhiệm ứng vốn để quận huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân; thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho  quận huyện để tổ chức bố trí tái định cư tại chung cư xây dựng mới. Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc tái định cư cho người dân. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu và chủ sử dụng hợp pháp nhà chung cư được bảo toàn trước, trong và sau khi di dời, tạm cư và tái định cư.

Ngoài ra, tiêu chuẩn căn hộ tái định cư dự kiến sẽ có diện tích tối thiểu bằng 1,1 lần so với diện tích căn hộ cũ và người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào. Trường hợp căn hộ được bố trí tái định cư có diện tích nhỏ hơn 25m2 thì được bố trí căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2. Trường hợp có nhu cầu chính đáng (hộ gia đình có nhiều nhân khẩu) thì được xem xét, giải quyết cho thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội.

Đối với trường hợp đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân không có nhu cầu ở tại chung cư xây dựng mới thì vẫn được bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai. Trường hợp chưa ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân muốn nhận tiền tại thời điểm di dời thì được thanh toán khoản tiền tương đương với giá trị căn hộ được tái định cư…

Vì tiến độ quá chậm

Sở dĩ chính quyền TPHCM muốn Bộ Xây dựng cho phép áp dụng các giải pháp nói trên vì tiến độ xây dựng lại các chung cư cũ  tại trên địa bàn thành phố hiện rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân mà nguyên nhân chính xuất phát từ cơ chế, chính sách (còn nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp địa ốc tham gia).

Hiện thành phố có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn đã trên 50 năm, đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo kế hoạch, thành phố sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.200 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000 mét vuông sàn; đồng thời, sẽ khởi công xây mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương với trên 900.000 mét vuông sàn.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2010 đến nay, thành phố mới hoàn thành di dời, tháo dỡ hơn 10 chung cư cũ, tổ chức kiểm định được 35 chung cư cũ…

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng tiến độ xây mới các chung cư cũ quá chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân sống tại các chung cư cũ này. Các doanh nghiệp bất động sản chưa muốn tham gia cải tạo, nâng cấp hay xây mới lại các chung cư cũ vì thiếu chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Một nhà đầu tư bất động sản cho biết, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngại tham gia vào lĩnh vực này là vì mất nhiều thời gian cho việc thỏa thuận, bồi thường với người dân ở chung cư cũ để họ chịu di dời. Nhưng với kiến nghị của TPHCM về cơ chế, chính sách mới, nếu được thực hiện, nhà đầu tư này cho rằng không chỉ các chung cư cũ ở khu vực trung tâm quận 1 (có 98 lô chung cư), quận 3 (45 lô chung cư) sẽ thu hút được các nhà đầu tư mà hầu hết các chung cư cũ sẽ được các nhà đầu tư quan tâm – đầu tư xây mới.

TPHCM sắp dời dân khỏi chung cư Thanh Đa

TPHCM có 44 chung cư cũ cần xử lý ngay

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới