Thứ Bảy, 23/09/2023, 03:29
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Xe buýt than khó vì trợ giá thấp  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe buýt than khó vì trợ giá thấp  

Các doanh nghiệp xe buýt tại TPHCM đang gặp khó khăn vì mức trợ giá thấp trong bối cảnh giá cả tăng cao – Ảnh: vnexpress.net

(TBKTSG Online) – Ngày 8-5, đại diện các hợp tác xã và doanh nghiệp vận tải xe buýt tại TPHCM đã phản ánh rằng mức trợ giá thấp đã gây khó khăn cho hoạt động của loại hình dịch vụ công cộng này.

Những khó khăn trong hoạt động xe buýt đã được các hợp tác xã, doanh nghiệp trình bày tại buổi họp với đại diện HĐND TPHCM và các sở, ngành về hoạt động của ngành dịch vụ này trong thời gian vừa qua.

Đại diện Công ty xe khách Sài Gòn cho biết từ đầu tháng 3, giá nhiên liệu tăng cao nhưng mức trợ giá không phù hợp, tiền thu từ vé không đủ chi cho dầu, nên các xã viên có xe chạy trong đội xe của công ty đến nay nợ hơn 30 triệu đồng tiền nhiên liệu. Trung bình, mỗi ngày mỗi xã viên phải bỏ tiền túi ra thêm 500.000 đồng để đổ dầu vì mức trợ giá không đủ, nhiều người trong số họ phải rao bán xe vì không thể kham nổi chi phí khi mà lương tài xế xe buýt hiện nay chỉ từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng.  

Ông Nguyễn Văn Triệu, Phó giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM lấy ví dụ cụ thể từ tuyến xe buýt Củ Chi-Chợ Lớn. Theo ông, mức trợ giá của nhà nước chỉ đủ tiền nhiên liệu chạy từ Củ Chi đến Ngã tư Bảy Hiền, đoạn còn lại từ Bảy Hiền đến Chợ Lớn tài xế phải bỏ tiền túi ra để đổ dầu.

Đó chỉ mới là kinh phí bù thêm do giá nhiêu liệu tăng, còn các chi phí duy tu, bảo dưỡng xe, thay vỏ ruột xe bị mòn đều không đủ. Tiền trợ giá cho ngành xe buýt TPHCM cả năm 2008 là 572 tỉ đồng, chỉ tăng 44 tỉ đồng so với năm trước, trong khi đó giá cả của các loại phụ tùng xe, xăng dầu thi nhau tăng giá từ đầu năm đến nay. Như dầu nhớt theo bảng báo giá của công ty Mobil Việt Nam là 28.270 đồng/lít nhưng mức giá của nhà nước đưa ra để tính toán trợ giá chỉ 12.650 đồng/lít.

Bên cạnh đó, khoản tiền trợ giá thường phải mất một khoảng thời gian khá dài để đi qua các thủ tục phê duyệt của các sở, ngành chức năng mới đến được tay các hợp tác xã, doanh nghiệp xe buýt và trong thời gian đó, giá cả các mặt hàng trên thị trường tăng hàng ngày.

Đại diện Hợp tác xã Vận tải Quyết Thắng không đồng tình với cách phân chia mức trợ giá theo kiểu đồng đều với tất cả các tuyến xe buýt. Như tuyến số 6 (Chợ Lớn – Đại học Nông Lâm), tuyến số 8 (Bến xe quận 8-Thủ Đức) chạy suốt từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, chủ yếu phục vụ sinh viên đến làng đại học Thủ Đức nhưng mức trợ giá lại bằng với các tuyến xe khác chạy thời gian ít hơn.

Nhiều doanh nghiệp xe buýt than phiền về cách thức xử phạt của Trung tâm Quản lý điều hành Vận tải hành khách công cộng. Hiện nay, việc thi công các dự án hạ tầng tại nhiều tuyến đường đang gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông và xe buýt cũng bị ảnh hưởng, thường xuyên về bến trễ giờ và phải chịu phạt. Mỗi lần xe buýt về bến trễ 10 phút sẽ được tính thành một lần phạt với mức phạt 800.000 đồng/lần. Để tránh bị phạt do về trễ, các tại xế thường cho xe phóng nhanh và điều này dẫn đến việc vi phạm luật giao thông, gây tai nạn giao thông.

Đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa chia sẻ những khó khăn của các hợp tác xã vận tải, ông đề nghị TPHCM sớm cho phép thực hiện quảng cáo trên và trong xe buýt để giúp tạo thêm nguồn thu để trang trải chi phí.

Xe buýt là một trong những dịch vụ mà Bộ Giao thông Vận tải và UBND TPHCM yêu cầu không được tăng giá, nhằm thực hiện chỉ đạo về bình ổn giá, kềm chế lạm phát của chính phủ. Ngoài ra, việc giữ giá vé xe buýt ổn định và duy trì trợ giá là chủ trương của TPHCM nhằm tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng nơi người dân, giúp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

NGỌC KHOA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới