Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe buýt TPHCM không thể dứt ‘bầu sữa’ ngân sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe buýt TPHCM không thể dứt ‘bầu sữa’ ngân sách

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Số tiền trợ giá cho xe buýt TPHCM năm 2020 là 1.150 tỉ đồng và đang được đề xuất tăng thêm 161 tỉ đồng. Tiền trợ giá tăng hàng năm song tăng trưởng về lượng hành khách đi xe buýt lại tỷ lệ nghịch với mức tăng của kinh phí hỗ trợ. Một số chuyên gia đề xuất nên bỏ chính sách trợ giá, song phía cơ quan quản lý cho rằng loại hình vận tải công cộng này vẫn cần sự hỗ trợ từ ngân sách.

Xe buýt TPHCM không thể dứt ‘bầu sữa’ ngân sách
Lượng hành khách đi xe buýt tại TPHCM đang giảm sút nghiêm trọng – Ảnh: Lê Anh

Theo thông báo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, từ ngày 1-7, các tuyến xe buýt số 2, 11 và 144 sẽ dừng khai thác. Các tuyến xe buýt này là các tuyến có trợ giá kết nối giữa bến xe Miền Tây tới Bến Thành, Đầm Sen, cùng nhiều khu chợ, trường học…

Trong văn bản gửi Sở Tài chính mới đây về việc bổ sung thêm 161 tỉ đồng trợ giá xe buýt năm 2020, Sở GTVT TPHCM lý giải, nếu dự toán ngân sách trợ giá năm 2020 vẫn giữ 1.150 tỉ đồng thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11, hoặc phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch giai đoạn từ ngày 1-7 đến 31-12-2020 trong đó phải ngưng một số tuyến.

Số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy, từ cuối năm 2018 đến nay, có tới 10 tuyến xe buýt được trợ giá phải ngưng hoạt động và đến nay chỉ còn 91 tuyến xe buýt có trợ giá.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng được từ 25 – 30% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất đến tháng 6-2020, vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng được 9,7% nhu cầu đi lại của người dân.

Cách đây 8 năm lượng khách đi xe buýt tại TPHCM đạt trung bình 305 triệu lượt khách/năm thì đến năm 2020 kế hoạch chỉ còn 147 triệu lượt khách/ năm (giảm tới 158 triệu lượt).

Khi trợ giá xe buýt ngày càng tăng mà không mang lại hiệu quả, một số chuyên gia cho rằng nên bỏ hẳn trợ giá xe buýt. Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường – Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TPHCM, đề xuất nên bỏ hẳn trợ giá xe buýt.

Ông cho rằng trợ giá xe buýt chỉ phù hợp ở giai đoạn từ 1970 – 1980, khi các hợp tác xã cần nhà nước hỗ trợ để đầu tư xe. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã thay đổi, việc kéo dài chính sách trợ giá sẽ khiến các hợp tác xã chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Theo ông Ninh, xe buýt hoạt động kém hiệu quả là do không thuận tiện so với các loại hình vận chuyển khác nên người dân không đi. Khi nhu cầu đi xe buýt thấp mà lại đầu tư tiền vào để thay mới toàn bộ xe buýt không chỉ gây lãng phí mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước ý kiến đề xuất của chuyên gia về việc bỏ trợ giá xe buýt, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết vận tải hành khách công cộng cần phải được bao cấp thông qua trợ giá thì mới đảm bảo hoạt động được. Ông khẳng định năm 2020, mức trợ giá xe buýt 1.150 tỉ đồng là không đủ.

Theo ông Hưng, việc đề xuất xin thêm 161 tỉ đồng đã được Sở GTVT cân nhắc rất kỹ để tránh trùng lắp các tuyến gây lãng phí. Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang xây dựng đề án tính trợ giá xe buýt tiết kiệm, đồng thời nâng cao hiệu khai thác các tuyến xe buýt.

Mời xem thêm:

TPHCM: ngừng hoạt động ba tuyến xe buýt

Xe buýt chạy trong hẻm: khó khả thi

Đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch đang bế tắc

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới