Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe đạp lóp ngóp!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe đạp lóp ngóp!

Pha Lập

(KTSG) – Hơn một tháng qua, ngày nào tôi cũng đạp xe đến sở làm hoặc tập thể dục. Ấy là do coi báo thấy ngày 3-6 là ngày xe đạp thế giới, tôi bèn kéo chiếc xe đạp mini treo tường đã hai năm xuống, đem sửa và đạp thử chừng 50 phút. Rồi cứ thế hôm sau, tuần sau, tháng sau, đạp tiếp, vừa đạp vừa nhớ về xe đạp.

Ấn tượng nhất là hình ảnh những đoàn xe đạp thồ nhu yếu phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đã đi vào lịch sử!

Từ đó cho đến trước năm 1990, xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu hoặc phổ biến ở Việt Nam. Những năm đó, một phóng viên ở quận 3, TPHCM đạp xe lên Củ Chi (20-30 cây số) lấy tin rồi đạp về viết tin hay một anh chồng chở vợ sắp sinh bằng xe đạp đến bệnh viện cách nhà 5, 7 cây số là chuyện nhỏ như con thỏ ở phố.

Nhiều người còn kiếm sống bằng nghề xe đạp thồ (xe đạp ôm) chở người hay xe đạp lôi vừa chở người vừa chở hàng…

Tuy nhiên, trong các loại xe từng xuất hiện ở Việt Nam, xe đạp có số long đong.

Từ lúc mới theo chân Pháp thực dân vào Bắc Kỳ, xe đạp đã bị Vũ Trọng Phụng vẽ thành một loại công cụ hài hước, nhố nhăng. Trong tiểu thuyết Số đỏ, Vũ tiên sinh bày ra bức tranh biếm bằng chữ: hai ông cảnh sát Min đơ, Min toa cứ đạp xe lòng vòng khu vực mình phụ trách để biên giấy phạt dân và ông Min đơ phạt ông Min toa, ông Min toa phạt ông Minh đơ cho… đủ chỉ tiêu phạt mà trên đã giao.

Đến năm 1970, một văn nhân tiền chiến khác là Nguyễn Vỹ viết: “Xe đạp (…) bị coi như là một loại xe bình dân, mà những người trưởng giả không thích dùng” vì khom lưng đạp xe là mất vẻ đạo mạo, đứng đắn"(*).

Mấy mươi năm sau, đang lúc yêu nhau nồng cháy, cặp đôi ca sĩ Phương Thảo-Ngọc Lễ cũng giáng cho xe đạp một đòn ngắc ngoải: Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu/Mối tình thơ, thoáng như một giấc mơ (…) Quay đều quay đều quay đều/Mối tình nghèo đơn sơ quá (ca khúc Xe đạp ơi!).

Sau năm 1990, xe Honda, xe gắn máy (tên gọi hồi đó) lần hồi lấn át xe đạp trên đường. Ngay lập tức, ngành thống kê đưa việc có xe gắn máy thành một trong những tiêu chí đánh giá mức sống của các hộ gia đình.

Đến những năm giao thời qua thế kỷ 21, xe máy bắt đầu phơi ra những vấn nạn ở đô thị, như kẹt xe, ô nhiễm môi trường… Một số thành phố và Quốc hội đã đưa chuyện hạn chế xe máy ra bàn. Tuy nhiên với lập luận, xe máy là tài sản riêng của người dân, quyền sở hữu tài sản là bất khả xâm phạm, cụm từ hạn chế xe máy không được diễn giải trong các văn bản pháp quy.

Thế là từ đó, xe máy trở thành một thế lực cực mạnh, nhiều người làm chính sách, chuyên gia vừa đụng đến chuyện chặn đà tăng số lượng xe máy đã ăn đá gạch dến hết đời.

Thế là từ đó, xe đạp lóp ngóp!

Hai năm gần đây, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng tiêu thụ xe đạp ở Việt Nam có tăng lên nhưng chưa đáng kể so với thời hoàng kim của nó và so với các nước châu Âu, Nhật Bản hiện nay. Aeon Việt Nam dự đoán 1-2 thập kỷ nữa thị trường xe đạp sẽ phát triển bùng nổ(**).

Vậy thì ít nhất trong 10 năm nữa, xe đạp vẫn lóp ngóp ở Việt Nam!

————-

(*) Nguyễn Vỹ: Tuấn, chàng trai nước Việt, NXB Văn Học, Hà Nội, 2006, trang 225

(**) https://vnexpress.net/nganh-kinh-doanh-xe-dap-vao-guong-mua-dich-4284925.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới