Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe quá tải: do bất nhất, thiếu đồng bộ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe quá tải: do bất nhất, thiếu đồng bộ

Anh Quân

(TBKTSG) – Dù rất đồng tình với việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ nhưng các doanh nghiệp vận tải đang phải đóng phạt chỉ vì những quy định về tải trọng container chưa thống nhất giữa Việt Nam và quốc tế cũng như sự thiếu đồng bộ giữa cầu và đường.

Quá tải là quá tải nào?

Những ngày qua, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, rất bức xúc vì xe của công ty ông dù chở đúng tải quy định khi xếp hàng vào container nhưng khi bị lực lượng chức năng đưa vào trạm cân, xe của công ty ông vẫn bị phạt do quá tải.

Ông phân trần, “theo quy chuẩn quốc tế, container loại 20 feet được đóng hàng nặng đến 25 tấn, còn ở Việt Nam chỉ cho phép chở tối đa 20 tấn. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay luôn đóng hàng vào container theo tiêu chuẩn quốc tế chứ họ đâu có xếp theo tiêu chuẩn Việt Nam”. Dù có giải thích thế nào thì ông cũng đành ngậm ngùi đóng phạt vì cơ quan chức năng chỉ chiếu theo quy định hiện hành.

Không những vướng ở quy định tải trọng xe container, ông Phú còn cho biết, hiện nay nhiều tuyến đường cho xe 30 tấn lưu thông, song có một hoặc hai cầu nhỏ trên cùng tuyến chưa được nâng cấp – tải trọng không đủ 30 tấn, nên xe vẫn bị lực lượng cảnh sát giao thông thổi phạt vì chở quá tải trọng khi đi qua cầu. Như vậy, chính sự thiếu đồng bộ giữa cầu và đường đã khiến doanh nghiệp bị phạt.

Theo các doanh nghiệp, để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần đầu tư đồng bộ, khi nâng cấp đường thì cũng phải nâng cấp cả cầu. Đối với tải trọng của container, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nên thống nhất quy định về tải trọng theo quy định quốc tế hoặc chỉ cho phép nhập hay làm những container phù hợp với tải trọng đường của Việt Nam để tránh tình trạng doanh nghiệp vận tải rơi vào thế khó khi vận chuyển hàng.
Liên quan đến việc kiểm tra tải trọng xe hiện nay, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty Vận tải Kim Lợi Minh, kiến nghị việc kiểm tra xe chở quá tải là cần thiết, nhưng phải làm công bằng, tránh hiện tượng bắt xe này nhưng tha cho xe kia làm nảy sinh sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp. 

Chở đúng tải, giá cước thực là bao nhiêu?

Hai ngày trước khi Bộ GTVT thực hiện cân tải trọng xe đồng loạt trên cả nước, một hội thảo về chi phí vận tải tại Việt Nam đã được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp giảm chi phí vận tải và đưa giá vận tải về giá trị thực. Báo cáo của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho thấy, do sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp nên hầu hết các đơn vị vận tải đều chở quá tải. Có tình trạng xe chở quá tải từ 2-4 lần tải trọng thiết kế nên giá cước vận tải hàng hóa trên thực tế thấp.

Trước đây cước vận tải hàng hóa khoảng 5.000-7.000 đồng/tấn/ki lô mét. Hiện nay, các đơn vị vận tải hàng hóa thường thỏa thuận với chủ hàng về giá cước theo từng thời điểm và không căn cứ vào giá thành. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng nếu hoạch toán đầy đủ, so với mặt bằng đời sống của người dân thì giá cước là cao.

Lý giải cho tình trạng giá cước vận tải tại Việt Nam cao, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết do giá ô tô ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc giá xe chỉ bằng 50-60% so với giá xe cùng loại tại Việt Nam. Một yếu tố khác là giá nhiên liệu đầu vào liên tục biến động, chỉ trong chín tháng của năm 2013 giá nhiên liệu tăng, giảm chín lần với mức tăng trung bình 3,5-5%. Bên cạnh đó, giá phí đường bộ tại Việt Nam cao hơn các nước. Ví dụ, phí đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cùng chiều dài 50 ki lô mét nhưng lại cao hơn từ 3-5 lần so với Thái Lan. Phí đường bộ thu cả rơ moóc cũng dẫn đến mức phí cao. Phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với phương tiện đường bộ tăng 40%. Chi phí “đen” không những không giảm mà còn tăng theo mức tăng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Theo tính toán của ông Trịnh Châu Khánh, khi việc cân tải trọng xe được làm chặt chẽ thì giá cước thực sẽ tăng lên 2-2,5 lần so với mức các doanh nghiệp đang áp dụng. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng dần dần doanh nghiệp cũng buộc phải điều chỉnh vì tăng quá cao sẽ mất thị phần.

Dường như đã thấy được một số bất cập, ngay trong tuần này Bộ GTVT đã giao cho các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không xây dựng phương án kết nối để giảm tải cho đường bộ và giảm giá thành vận tải. Dự kiến vào chiều 18-4, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ chủ trì cuộc họp để bàn giải pháp cụ thể giảm tải cho đường bộ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới