Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe thồ ơi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe thồ ơi!

Những phu xe đạp thồ dần biến mất bởi cơ bắp không đua nổi với cơ giới trong cuộc bon chen sinh tồn. Ảnh: Doãn Thành Trí

(TBKTSG) – Cách đây khoảng hai chục năm, cả nước nghèo, nên dân Huế, lúc cần, thường đi lại bằng xe đạp thồ, giá rẻ chỉ bằng một phần năm so với xích lô.

Xe thồ cũng giống như xe đạp nhưng nhiều chiếc trông tồi tàn, sơn tróc trơ khung đen kịt, căm hoen gỉ, luôn treo phía trước một cái giỏ lỉnh kỉnh áo mưa, chai nước, đồ nghề phòng khi xe hỏng; nhất là chủ nhân, thường là những người rất nghèo với khuôn mặt đen sạm, áo sơ mi màu cháo lòng chêm vài miếng vá, quần âu bạc phếch, dép mòn gần hết đế, mũ lưỡi trai rách…

Tuy cũ kỹ nhưng đi xe thồ, khách được làm “thượng đế” chính hiệu: Không mỏi nhờ hai kệ kê chân; hàng hóa nhiều đến mấy cũng đủ chỗ. Mặc cả rẻ đến đâu cũng được gật đầu.

Ngày ấy, xe thồ tôi cũng chẳng dám vẫy. Hai vợ chồng từ Hà Nội vào Huế làm giáo viên, lương chỉ đủ cơm đạm bạc ba tuần mỗi tháng, tài sản giá trị nhất là chiếc xe đạp. Khi chồng đi dạy thêm ở ngoại thành, tôi đi bộ, vì trường tiểu học nơi tôi công tác chỉ cách nhà chưa đầy hai cây số.

Lúc đó, đường đến trường của tôi chưa trải nhựa; đất nhão đặc quánh sau cơn mưa và tung bụi đỏ quạch khi trời nắng. Thế nhưng, hai bên đường san sát những giậu cây rực sắc hồng leo, ghé mắt qua là thấy lúc lỉu đào, mận, sapôchê, vú sữa. Từ những vườn cây, hương hoa chanh, hoa bưởi thơm phức suốt con đường.

Khi bụng đã lớn, tôi mới biết đoạn đường này có một anh xe thồ trưa nào cũng đứng ở cổng chính, mời mọc, vừa lẽo đẽo dắt xe theo cả cây số, nì nèo: “Không lấy tiền mô!”. Ba tháng ròng, hầu như ngày nào tôi đi bộ, anh cũng làm cái đuôi của tôi. Cuối cùng thì tôi cũng chấp nhận làm khách đi xe của anh, đó là vào ngày tổng kết năm học. Anh mừng húm, hớn hở trách móc: “Người chi lạ, ưa cực chi lạ rứa, răng không lên xe từ trước cho rồi?”.

Lúc ấy tôi mới nhìn kỹ anh:chỉ khoảng 30 nhưng tóc đã muối tiêu, má hóp vì thiếu dinh dưỡng lâu ngày nhưng đôi mắt rất hiền, bụi đường bám trắng mi.

Dọc đường, tôi để ý thấy anh cẩn thận tránh mọi ổ gà và đạp thật chậm qua những đoạn gồ ghề có thể làm con tôi đau. Phòng trường hợp bị anh “giúp” sau này, tôi kêu dừng xe cách nhà khá xa để trả tiền. Anh không nhận, chỉ cười trách: “Tiền nong chi? Tội nghiệp bụng bầu đi bộ, tui chở đỡ mà! Ai cũng rứa thôi, huống chi o xa xứ!”. Đi một đoạn xa, ngoái lại, tôi thấy anh vẫn đứng ái ngại nhìn theo. Kể từ đó, đi đâu tôi cũng nháo nhác ngó các anh xe thồ, với hy vọng gặp lại người tri ân tưởng chỉ một ngày ấy.

Cũng từ hôm đó, tôi mới để ý, các bác xe thồ ở Huế khi gặp đám tang thường nép xe vào ven đường, ngả mũ chào vĩnh biệt. Con trai tôi ngồi xe nhiều lần rơi dép, luôn được các bác nhặt, cẩn thận đeo lại vào chân. Tôi chạy xe trời lụt, bị tắt máy, lần nào cũng có một bác, mà tôi biết chắc là dân xe thồ, dắt giúp qua quãng nước sâu, lau bugi, đạp cho xe nổ máy mới thôi.

Tôi cũng ngắm kỹ hơn những đoạn đường chờ khách của các bác xe thồ, nơi cây lá thường đan thành vòm kín, nắng xiên sợi lấp lánh và bừng sáng cuối đường. Đó cũng có thể là cổng các chợ đầu mối Tây Lộc, Đông Ba, An Cựu…, nơi bày lộ thiên cái nghèo xứ Huế. Tôi nhìn Huế gần hơn, khi trời trong, thông trên núi Ngự Bình có thể trông rõ từng cây; nước dòng Hương theo bầu trời ngả màu hoa cà khi chiều xuống và nhuộm lam tím lúc nhọ mặt.

Giống các bà, các chị xứ Huế, tôi đi lễ chùa, nghe sư thầy giảng đạo CHO – NHẬN; ưa mùi hương trầm miền Trung hơn hương quế miền Bắc, và chăm chỉ cắm hương quanh các gốc cây cạnh nhà mỗi tối, cho ấm áp các vong hồn lưu lạc.

Tôi không còn sợ những cơn mưa trắng trời cả tuần lễ, và những trận lụt đến hẹn lại lên mỗi năm vài lần, khi mà nước sông tràn bờ. Tôi cũng trở nên đam mê cơm hến, bánh canh cá lóc, nước lèo, xôi bắp non… – những thứ có thể khiến người xứ lạ ngần ngại chọc đũa. Và tôi cũng có đông bạn Huế – những người nắng nứt trời, mưa thối đất vẫn lặn lội đến với tôi.

Người xe thồ ngày nào, khi rời Huế về Hà Nội, tôi vẫn chưa có cơ hội gặp lại. Đầu năm 2002, trở lại Huế trong một chuyến công tác, tôi tìm đến một quán nước nơi đường thơm xưa để hỏi về anh. Mệ bán hàng bảo, đường này ngày ấy có đến hai anh xe thồ, nhưng nghiệp phu xe khó sống; các anh đều đã chuyển vào Nam.

Tôi nghe chuyện, nhìn cảnh vật mà thấy sống mũi cay cay. Huế bây giờ đường thơm xưa không còn thấy hương hoa trái, vì các khu vườn đã bị phá đi gần hết để dựng quán hàng; cồn Hến mất đi nhiều ruộng ngô; cả thôn Vĩ Dạ chỉ còn dăm ba đầm sen, vài khóm trúc nhỏ. Huế bây giờ mọc lên một loạt khách sạn cao tầng, quy hoạch nhiều khu dân cư ở ngoại ô và mở thêm những con đường lạ hoắc. Cầu Trường Tiền 6 vai 12 nhịp lập lòe đèn xanh đỏ như một cô gái quê trát phấn vụng về, cho hợp thị hiếu du lịch. Xe máy ôm, xích lô chen chân nhốn nháo chào mời.

Nhưng Huế là thành phố duy nhất ở nước ta còn xe đạp thồ. Có khoảng 500 chiếc chuyên phục vụ những người mỏng ví là các bà, các chị buôn thúng bán bưng và khách nghèo đi chợ. Các bác phu xe vẫn ngả mũ trước đám tang, nhặt dép cho trẻ nhỏ, đẩy xe trong lũ cho phụ nữ chân yếu tay mềm.

Tôi hẹn lòng, thỉnh thoảng dẹp những nặng nhọc của cuộc sống đô thị quay cuồng, thoát khỏi không gian đặc quánh bụi công nghiệp và khói xe để đến Huế tĩnh tâm giữa xứ trầm hương trời xanh mây trắng, nơi tôi may mắn được biết anh. Rồi sau đó, về Hà Nội,  tôi lại loay hoay nghĩ cách CHO, học lối NHẬN đúng lòng tốt của bao người…

QUẢNG HẠNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới